Ngày 12/5, bác sĩ Lương Văn Sinh, Phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú (TP.HCM), cho biết tại đây vừa tiếp nhận cấp cứu sản phụ N.T.T.N. (21 tuổi, ngụ TP.HCM) sinh non khi trên đường đi đến bệnh viện cấp cứu.
Chị N. cho biết trước nhập viện một ngày có biểu hiện sốt. Sau đó, bệnh nhân đến phòng khám tư được bác sĩ tư vấn nhập viện nhưng nghĩ không có triệu chứng gì nên chị về nhà. Tuy nhiên, sau khi về, chị có biểu hiện đau bụng nên đến bệnh viện khám. Trên đường đi, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ và sinh con trên xe.
Khi đến Bệnh viện quận Tân Phú, con chị N. tím tái, thở yếu. Các bác sĩ đã nhanh chóng báo động đỏ nội viện cấp cứu cho 2 mẹ con.
Sản phụ đẻ rớt con 27 tuần tuổi được các bác sĩ thăm khám. Ảnh: BVCC. |
Bé sơ sinh được cắt dây rốn, xử trí hô hấp đặt nội khí quản, sưởi đèn ổn định thân nhiệt.
"Vì bé sinh non chỉ nặng 900 gram nên sau khi hồi sức, bé ổn định lâm sàng, bệnh viện đã chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục theo dõi, điều trị. Tình hình sức khỏe của sản phụ hiện ổn định và được xuất viện", bác sĩ Sinh cho hay.
Bác sĩ Sinh khuyến cáo tất cả thai phụ (đặc biệt các thai phụ có nguy cơ sinh non) cần theo dõi mọi diễn biến bất thường của cơ thể, khám thai và siêu âm định kỳ để kịp thời phát hiện những biểu hiện dọa sinh non nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời.
Sinh non được phân loại theo tuổi thai gồm sinh cực non (dưới 28 tuần), sinh rất non (28-32 tuần) và sinh non vừa đến muộn (32-37 tuần 6 ngày).
Sinh non đang là hiện tượng phổ biến toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, trên toàn thế giới có xấp xỉ 15 triệu trẻ sinh non và con số vẫn không ngừng gia tăng.
Trẻ sinh non thường tím tái, không thở được, thân nhiệt hạ rất nhanh, nguy cơ nhiễm trùng rất cao bởi tất cả chức năng đều chưa hoàn thiện nên gần như không thể tự chủ. Vì vậy, nếu không hồi sức cấp cứu ngay tại phòng sinh thì khó giữ được tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề nếu may mắn sống sót. Trẻ sinh ra càng sớm thì nguy cơ, biến chứng càng cao.
Sản phụ nào có nguy cơ sinh non?
Trẻ dưới 16 tuổi hoặc ngoài 35 tuổi, thể trạng gầy dưới 35 kg.
Có tiền sử sinh non, cổ tử cung ngắn, dị dạng tử cung bẩm sinh, u xơ tử cung, hở eo tử cung, tiền sử khoét chốp cổ tử cung, viêm âm đạo…
Có thai nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản, thụ tinh trong ống nghiệm.
Đa thai (mang thai đôi hoặc thai ba, thai tư..).
Mắc bệnh tăng huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường, nhau tiền đạo, nhau bong non, đa ối, thiểu ối, nhiễm trùng thai kỳ.
Mắc các bệnh lý cấp tính như sốt cao, viêm ruột thừa, nhiễm trùng tiểu, bệnh lý nha chu…
Hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá, dùng các chất gây nghiện hay lao động nặng, di chuyển nhiều, căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dài…
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung do sản phụ ăn uống không đủ chất, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của bản thân và thai nhi.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.