Chiều 7/1, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm họp báo sau khi nhận thông tin dầu cá Omega-3 ăn mòn xốp, gây lo ngại cho người dân về sức khỏe.
Tại buổi họp, Cục đã làm thí nghiệm tại chỗ và giải thích đây là hiện tượng bình thường.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn Vệ sinh thực phẩm cho hay, dầu cá tự nhiên có chứa chất béo không ester hoá nhưng nếu để như vậy rất dễ bị phân hủy. Vì thế để đảm bảo ổn định đồng thời tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được ester hoá.
Với bản chất là chất béo ester hoá, tất cả dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (thành phần là polystyrence). Thời gian hoà tan nhanh hay chậm phụ thuộc vào từng loại dầu khác nhau.
Trong cơ thể người không có polystyrence như xốp nên khi sử dụng dầu cá sẽ không có tương tác như vậy và không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe người sử dụng. Dầu cá được cơ thể người hấp thu và chuyển hoá thành những chất có lợi cho sức khoẻ.
Thí nghiệm tại chỗ dầu cá 3 loại của Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc đều ăn mòn xốp ở các mức độ khác nhau. Ảnh: Hà Quyên. |
Tiến sĩ Phong cũng thông tin thêm, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia đã tiến hành thử nghiệm đối với các loại dầu cá có nguồn gốc: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam cho thấy tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp.
Ngay sau khi có thông tin dầu cá ăn mòn xốp, một số chuyên gia, nhà khoa học cũng phân tích trên trang cá nhân hiện tượng này là bình thường. PGS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa học Đại học Tự nhiên Hà Nội, chuyên gia quen thuộc cộng tác với Zing.vn cũng đồng quan điểm này.
Ông cho biết, về nguyên tắc, các ester của các axít béo trong dầu cá (là thành phần chủ yếu trong Omega-3) có các chủng loại từ mạch ngắn, mạch dài, trong đó, mạch ngắn dễ tiêu hơn. Các mạch ngắn hơn thì khả năng làm mềm thùng xốp, khiến chúng co lại nhanh hơn. Do đó, chuyện dầu cá làm co thùng xốp là có thể. Đây không phải là một phản ứng mà là một sự hòa tan hết sức bình thường. Dầu cá là một axit béo dễ tiêu, không tạo cholesterol, tạo năng lượng tốt và lưu thông các mạch máu, nên ăn tốt hơn rất nhiều mỡ động vật.
Giải thích trên trang cá nhân, tiến sĩ Neil E. Levin, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và phát ngôn viên Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ tại La Grange cho hay, polysterene thường được sử dụng để sản xuất ly cà phê, các tấm xốp, nguyên liệu đóng gói. Chúng là hợp chất không phân cực, sẽ phản ứng với các hợp chất không phân cực khác, cụ thể ở đây là các loại dầu cá.
Dầu ethyl ester được tiêu thụ nhiều trên thị trường, do loại dầu này chứa lượng EPA và DHA tốt hơn so với các hình thức triglyceride (loại nguyên chất). Chúng cũng được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu lâm sàng để đánh giá những lợi ích sức khỏe tiềm năng của chất béo bổ sung Omega-3. Tuy nhiên, do khả năng ăn mòn nhựa, xốp nhanh hơn những loại dầu kia, người tiêu dùng dễ bị hiểu lầm loại này gây hại sức khỏe.
Theo tiến sĩ Neil, may mắn là cơ thể con người không chứa các polystyrene, do vậy, không bị ảnh hưởng tiêu cực khi uống các loại dầu cá này.
Vừa qua, thông tin về sản phẩm dầu cá Omega 3 xuất xứ Trung Quốc được phát hiện tại Quảng Ngãi có hiện tượng ăn mòn thùng xốp khi được nhỏ lên khiến nhiều người lo ngại cho rằng khi uống thuốc này, dạ dày và đường ruột sẽ bị ăn mòn.
Chiều 6/1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin thực phẩm chức năng Omega3 xuất xứ từ Trung Quốc gây bào mòn xốp, ông Phong đã trực tiếp liên lạc qua điện thoại cho Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra thông tin, báo cáo chi tiết vụ việc.
Theo đó, Chi Cục trưởng Chi Cục ATTP Quảng Ngãi đã báo cáo, thực phẩm chức năng Omega-3 này của một người dân được tặng. Người này đã mang đến Chi cục 2 lọ dầu cá Omega-3 và làm thử nghiệm ngay trước sự chứng kiến của nhiều người trong đó có Chi Cục trưởng Cục ATTP Quảng Ngãi bằng cách nhỏ vài giọt dầu cá vào tấm xốp dày 5 cm. Chỉ trong vòng 10 phút, mặt xốp từ bị bào mòn rồi bị xuyên thủng, trong khi thử với loại dầu cá khác không có hiện tượng bào mòn.
Chiều 7/1, trong cuộc họp báo về vấn đề này của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng làm thí nghiệm, phân tích cho thấy đây là hiện tượng bình thường.