Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thực phẩm

Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa thường là những triệu chứng ngộ độc đầu tiên xảy ra sau khi bạn ăn loại thực phẩm nào đó bị ô nhiễm.

Bệnh do thực phẩm, thường được gọi là ngộ độc thực phẩm, là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm, hư hỏng hoặc độc hại. Các triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm bao gồm buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), dù khá khó chịu, ngộ độc thực phẩm không phải là bất thường.

Các triệu chứng chính xác và mức độ tồi tệ khi bị ngộ độc thực phẩm sẽ khác nhau. Chúng phụ thuộc vào loại vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng nhiễm vào bạn, lượng vi khuẩn trong cơ thể và hệ thống miễn dịch của bạn chống lại nó hiệu quả như thế nào.

Triệu chứng

Theo Healthline, nếu bạn bị ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào nguồn lây nhiễm. Khoảng thời gian để các triệu chứng xuất hiện có thể dao động từ một giờ đến 28 ngày.

Triệu chứng đầu tiên khi bị ngộ độc là đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Ngoài ra, một số triệu chứng phổ biến khác cũng thường xảy ra khi bạn bị ngộ độc bao gồm: chán ăn, sốt nhẹ, yếu, buồn nôn, đau đầu, chuột rút.

Nhiều trường hợp ngộ độc nặng hơn có thể bị nôn mửa nhiều lần, tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, sốt cao, nói hoặc nhìn kém, mất nước nghiêm trọng (khô miệng, ít đi tiểu, chóng mặt, mắt trũng sâu), ngứa ran ở lòng bàn tay, vàng da.

Trieu chung ngo doc thuc pham anh 1

Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy là những triệu chứng phổ biến cảnh báo ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Healthnwell.

Nguyên nhân

Theo Medical News Today, hầu hết vụ ngộ độc thực phẩm thường bắt nguồn từ một trong ba nguyên nhân chính sau:

- Vi khuẩn: Cho đến nay, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm. Các loại vi khuẩn nguy hiểm gây ngộ độc thực phẩm là E. coli, listeria, và salmonella. Theo CDC, campylobacter và C. botulinum là 2 loại vi khuẩn ít gặp nhưng có khả năng gây chết người nếu bạn bị ngộ độc.

- Ký sinh trùng: Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng không phổ biến như vi khuẩn, nhưng ký sinh trùng lây lan qua thực phẩm vẫn rất nguy hiểm. Toxoplasma là loại ký sinh trùng thường thấy nhất trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Nó được tìm thấy trong hộp cát vệ sinh cho mèo.

Ký sinh trùng có thể sống ở đường tiêu hóa của bạn mà không bị phát hiện trong nhiều năm. Tuy nhiên, những người có hệ thống miễn dịch yếu và phụ nữ mang thai có nguy cơ bị tác dụng phụ nghiêm trọng nếu ký sinh trùng cư trú trong ruột của họ.

- Virus: Ngộ độc thực phẩm cũng có thể do virus gây ra. Các norovirus, hay còn gọi là virus norwalk, gây ra hơn 19 triệu trường hợp ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Trong một số trường hợp hiếm, nó gây tử vong. Sapovirus, rotavirus và astrovirus gây ra các triệu chứng tương tự, nhưng ít phổ biến hơn. Virus viêm gan A là tình trạng nghiêm trọng lây truyền qua đường ăn uống.

Tác nhân gây bệnh có thể được tìm thấy trên hầu hết thực phẩm mà con người ăn. Tuy nhiên, nhiệt từ quá trình nấu nướng thường tiêu diệt mầm bệnh trên thực phẩm trước khi bạn ăn. Thực phẩm sống là nguồn gây ngộ độc thực phẩm phổ biến vì chúng không qua quá trình nấu nướng.

Đôi khi, thức ăn sẽ tiếp xúc với các sinh vật trong phân. Điều này thường xảy ra do một người chuẩn bị thức ăn không rửa tay trước khi nấu. Thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa thường xuyên bị ô nhiễm. Nước cũng dễ bị nhiễm các sinh vật gây bệnh.

Trieu chung ngo doc thuc pham anh 2

Hầu hết trường hợp ngộ độc thực phẩm do các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra. Ảnh: Prime.

Những ai có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm?

Bất cứ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm. Theo thống kê, gần như mọi người đều sẽ bị ngộ độc thực phẩm ít nhất một lần trong đời.

Dù vậy, một số người có nguy cơ cao bị ngộ độc hơn. Những người có hệ miễn dịch bị ức chế hoặc mắc bệnh tự miễn có nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng do ngộ độc thực phẩm cao hơn.

Theo Mayo Clinic, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị ngộ độc cao hơn do cơ thể của họ phải đối phó với những thay đổi trong quá trình trao đổi chất và hệ tuần hoàn ở thai kỳ. Người cao tuổi cũng phải đối mặt với nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao vì hệ miễn dịch của họ không phản ứng nhanh với các sinh vật truyền nhiễm.

Trẻ em cũng được coi là trường hợp có nguy cơ mắc bệnh vì hệ thống miễn dịch của chúng không phát triển như người lớn. Trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất nước do nôn trớ và tiêu chảy.

Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Ngộ độc thực phẩm thường được điều trị tại nhà và hầu hết trường hợp sẽ tự khỏi trong vòng 3-5 ngày.

Nếu bạn bị ngộ độc thực phẩm, điều quan trọng là phải cung cấp đủ nước cho cơ thể. Đồ uống thể thao có nhiều chất điện giải hữu ích với việc này. Nước trái cây và nước dừa có thể phục hồi carbohydrate và giúp giảm mệt mỏi. Những người bị ngộ độc thực phẩm cũng cần được nghỉ ngơi nhiều.

Bạn cần tránh caffein vì nó thể gây kích ứng đường tiêu hóa. Các loại trà không chứa caffein với loại thảo mộc nhẹ nhàng như hoa cúc, bạc hà và bồ công anh sẽ làm dịu cơn đau bụng.

Thuốc không kê đơn như imodium và pepto-bismol giúp kiểm soát tiêu chảy và giảm buồn nôn. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này, vì bạn có thể bị nôn mửa và tiêu chảy khi thuốc đào thải chất độc ra ngoài. Ngoài ra, việc sử dụng những loại thuốc này khiến bạn không biết mức độ nghiêm trọng của bệnh và trì hoãn việc tìm kiếm sự điều trị của chuyên gia.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể yêu cầu bổ sung nước bằng dịch truyền tĩnh mạch (IV) tại bệnh viện.

Khi bị ngộ độc, tốt nhất là bạn nên từ từ ngừng ăn thức ăn rắn cho đến khi hết nôn mửa và tiêu chảy. Thay vào đó, bạn hãy ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, nhạt và ít chất béo như bánh quy, chuối, cơm, cháo bột yến mạch, rau củ luộc...

Để ngăn dạ dày khó chịu hơn, hãy cố gắng tránh những thực phẩm khó tiêu hóa ngay cả khi bạn nghĩ rằng đã khỏe hơn. Chúng bao gồm: các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa và pho mát; đồ ăn nhiều chất béo; thực phẩm có hàm lượng đường cao; thức ăn cay; đồ chiên; caffeine (soda, nước tăng lực, cà phê); rượu; nicotin.

Mặc dù bị ngộ độc thực phẩm khá khó chịu, tin tốt là hầu hết đều hồi phục hoàn toàn trong vòng 48 giờ. Cách tốt nhất để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm là xử lý thực phẩm của bạn an toàn và tránh bất kỳ thực phẩm nào có nguy cơ gây ngộ độc cao.

Ngộ độc trứng cá sấu hỏa tiễn, bà và 4 cháu nhỏ nhập viện

Sau khoảng 90 phút ăn món trứng cá sấu hỏa tiễn, 5 người trong gia đình bắt đầu xuất hiện nôn, đau bụng và đi ngoài.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm