Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu ngủ ngáy ở trẻ cảnh báo vấn đề nguy hiểm

Ngủ ngáy có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn thở khi ngủ và nhiều tác hại ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều bậc cha mẹ lo lắng nếu nghe thấy tiếng ngáy của con mình.

Mặc dù ngáy phổ biến ở người lớn tuổi, nó cũng xảy ra ở nhiều trẻ em. Ngáy ở trẻ thường ít được quan tâm, đặc biệt nếu thi thoảng xảy ra. Nhưng nếu ngáy thường xuyên hoặc nghiêm trọng, nó có thể báo hiệu vấn đề rối loạn hô hấp khi ngủ ở trẻ.

Nguyên nhân khiến trẻ ngủ ngáy

Trẻ em có thể ngáy trong khi ngủ, đặc biệt là khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Thông thường, điều này có thể dừng lại khi trẻ khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngáy là vấn đề cần được điều trị.

Bác sĩ Fauziya Hassan, chuyên gia về giấc ngủ trẻ em tại Bệnh viện Nhi C.S. Mott thuộc Bệnh viện Đại học Michigan (Mỹ), cho biết: "Ngủ ngáy bất thường có thể gây ra chất lượng giấc ngủ kém, dẫn đến rối loạn hành vi vào ban ngày. Vì nhiều cha mẹ không thể quan sát con ngủ mỗi đêm, các triệu chứng bất thường vào ban ngày thực sự có thể là dấu hiệu đáng chú ý đầu tiên".

Ngu ngay o tre em anh 1

Trẻ ngủ ngáy có thể ảnh hưởng nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ảnh: TNS.

Nguyên nhân điển hình nhất của chứng ngáy ngủ ở trẻ em là do mô thừa hoặc tắc nghẽn trong cổ họng.

Tiến sĩ Brandon Hopkins, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tại Cleveland Clinic, cho biết: "Trung bình cứ 10 trẻ thì có 1 trường hợp ngủ ngáy. Ở trẻ em, amidan và adenoit phát triển thường cản trở hơi thở vùng cổ họng và dẫn đến ngáy".

Ngoài ra, một số vấn đề khác có thể khiến con bạn ngủ ngáy bao gồm: Dị ứng; nhiễm trùng cổ họng; hen suyễn; lệch vách ngăn (khi sụn chia cánh mũi không đều, khiến một bên hẹp hơn); chứng ngưng thở lúc ngủ.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ bị thừa cân và sinh non có nhiều khả năng ngủ ngáy hơn. Ngáy cũng phổ biến hơn ở trẻ mắc rối loạn sọ não (thường do dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch hoặc sứt môi hay do chấn thương). Một số rối loạn di truyền (hội chứng Down), rối loạn thần kinh cơ (bại não, loạn dưỡng cơ) và bệnh hồng cầu hình liềm cũng khiến trẻ dễ bị ngủ ngáy.

Dấu hiệu ngủ ngáy nguy hiểm

Cha mẹ nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa nếu nhận thấy những bất thường dưới đây - có thể báo hiệu chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ:

- Con bạn ngáy gần như mọi đêm trong tuần.

- Bạn thường xuyên nghe thấy tiếng ngáy vào ban đêm.

- Tiếng ngáy rất ồn ào.

- Con thường xuyên ngủ mở miệng.

- Bạn nghe thấy con tạm thời ngưng thở hoặc thở hổn hển khi ngủ.

- Trẻ buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

- Thường xuyên cáu kỉnh, hung hăng.

- Trẻ khó thức dậy vào buổi sáng, ngay cả khi đi ngủ sớm tối hôm trước.

Tiến sĩ Hopkins nói: "Chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến mệt mỏi và hoạt động kém hiệu quả vào ban ngày, khiến trẻ gặp vấn đề về tập trung hoặc chú ý. Nó không phổ biến ở trẻ em, nhưng khi chứng ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng, có thể gây ra những nguy cơ sức khỏe cho tim và phổi".

Trước khi đưa con đến gặp bác sĩ, cha mẹ cần viết nhật ký về giấc ngủ của trẻ bằng cách quan sát và ghi lại thói quen ngủ của trẻ, bắt đầu khoảng một giờ sau khi trẻ đi ngủ. "Theo dõi xem ngáy xảy ra bao nhiêu đêm trong tuần và liệu nó có xảy ra thường xuyên hay chỉ thỉnh thoảng vào ban đêm", tiến sĩ Hopkins khuyên.

Ngu ngay o tre em anh 2

Cha mẹ cần cảnh giác khi trẻ ngủ ngáy vào ban đêm và thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày. Ảnh: Freepik.

Cách giảm chứng ngáy ở trẻ

Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, ngáy nhẹ, không thường xuyên sẽ tự biến mất nhanh chóng. Ngay cả thói quen ngủ ngáy cũng có thể tự giải quyết mà không cần điều trị cho nhiều trẻ em. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thực hiện các bước để ngăn ngừa rối loạn nhịp thở khi ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ.

Bước đầu tiên để giảm chứng ngủ ngáy ở trẻ em là nói vấn đề này với bác sĩ. Nhiều bác sĩ nhi khoa sẽ chủ động hỏi về chứng ngủ ngáy, và cha mẹ nên cởi mở chia sẻ những lo lắng của mình.

Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu của chứng rối loạn nhịp thở khi ngủ nghiêm trọng hơn hoặc những yếu tố khác, chẳng hạn hen suyễn hoặc dị ứng, góp phần gây ra chứng ngáy ngủ. Trẻ có thể được kiểm tra bổ sung để tìm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Cách giúp trẻ ngủ ngon hơn là thực hiện các bước để đảm bảo giấc ngủ chất lượng của trẻ, bao gồm thói quen và môi trường liên quan giấc ngủ của con. Những điều này bao gồm đặt lịch trình ngủ nhất quán, giảm tiếp xúc với ánh sáng và thời gian sử dụng màn hình trước khi đi ngủ, đồng thời thiết lập phòng ngủ yên tĩnh và thoải mái nhất có thể.

Nếu nguyên nhân gây ngáy ở trẻ là amidan và adenoids, trẻ có thể được phẫu thuật cắt bỏ tuyến - một trong những phương pháp điều trị chính cho trẻ bị rối loạn nhịp thở khi ngủ. Bằng cách loại bỏ các mô thường xuyên gây tắc nghẽn đường thở, phẫu thuật này có thể làm giảm ngáy và tạm dừng thở vào ban đêm.

8 nguyên nhân phổ biến gây ngủ ngáy

Nguyên nhân gây ngủ ngáy khác nhau ở mỗi người, tùy từng độ tuổi, thói quen và bất kỳ vấn đề sức khỏe có thể gặp phải.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm