Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore

Whitmore là bệnh nhiễm trùng nặng, tỷ lệ tử vong cao, một số trường hợp diễn tiến tối cấp, tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán sớm.

Thời gian gần đây tôi đọc nhiều thông tin về việc phát hiện các bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nên rất lo lắng. Xin hỏi bác sĩ dấu hiệu nào để nhận biết sớm nếu bị nhiễm vi khuẩn này?

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

Whitmore là bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, được mô tả lần đầu năm 1911.

Nhiều báo cáo cho thấy bệnh hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới ở cả người và động vật, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Úc và Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Vi khuẩn cũng phân lập được ở các động vật mắc bệnh như mèo (năm 1928), chó (năm 1925), ngựa, bò (năm 1930), động vật gậm nhấm và nhiều loại động vật khác.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy bệnh phân bố ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em, mùa mưa nhiều hơn các mùa khác.

Tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng.

Triệu chứng của bệnh có thể cấp tính như sốt cao, suy hô hấp, tụt huyết áp hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể gây nhiều thể lâm sàng khác nhau. Các thể lâm sàng này có thể xuất hiện riêng rẽ hay phối hợp như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn.

Các dạng nhiễm khuẩn da mô mềm phổ biến như áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào, áp xe đa cơ quan, áp xe gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai, áp xe đa ổ ở mô dưới da...

Đôi khi, biểu hiện lâm sàng của Whitmore giống bệnh cảnh lao. Nói chung đây là bệnh nhiễm trùng nặng, có tỷ lệ tử vong cao và một số trường hợp diễn tiến tối cấp, tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Có những trường hợp có tổn thương da dạng loét, hoại tử một hoặc nhiều nơi trên cơ thể, có lẽ vì thế trong thời gian gần đây có người gọi đây là “bệnh do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người”. Cách gọi không đúng này đang gây hiểu nhầm, hoang mang cho người dân.

Nữ sinh ở Đắk Lắk được phát hiện mắc bệnh Whitmore

Trước khi nhập viện, nữ sinh có triệu chứng sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai suốt 10 ngày.

Độc giả Thúy Anh

Bạn có thể quan tâm