Theo Fortune, nghiên cứu từ trường Quản lý MIT Sloan cho thấy văn hóa làm việc độc hại là yếu tố lớn nhất khiến nhân viên nghỉ việc. Cũng theo nghiên cứu, các trường hợp nghỉ việc vì văn hóa làm việc dở tệ cao gấp 10 so với các trường hợp nghỉ việc do lương thấp. Tệ hơn, thái độ ghét bỏ, sự phân biệt đối xử và bắt nạt từ sếp chủ yếu ảnh hưởng xấu đến nhóm người yếu thế, phụ nữ và người tàn tật.
Fortune ghi nhận ý kiến của các chuyên gia để nhận diện người sếp tồi từ sớm và cách ứng xử với họ.
Giai đoạn phỏng vấn
"Một cuộc phỏng vấn không chỉ nên nói về những gì ứng viên có thể mang lại", Nate Smith, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành một công ty tuyển dụng Lever (Canada), nói.
Ông cho rằng ứng viên nên xem xét cách người sếp tương lai trả lời câu hỏi của mình. Thay vì các bộ câu hỏi đóng khung sẵn, ứng viên nên hỏi những câu ngoài tầm đoán được của sếp như "kỳ vọng của anh/chị đối với nhân viên" hay "lý do nhân viên của anh/chị nghỉ việc".
Ứng viên nên đặt những câu hỏi khác lạ để đánh giá người sếp tương lai. Ảnh: Getty. |
Theo Smith, việc một nhóm có người nghỉ việc không đến nỗi tệ, nhưng phải tùy lý do.
"Nếu ai đó rời nhóm vì họ đã phát triển và có được nhiều kỹ năng mới, đó là dấu hiệu họ đã có người quản lý tuyệt vời. Sếp không tốt lại thường viện cớ cho việc nhân viên nghỉ việc", ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn, người ta sẽ nói nhiều hơn những điều tích cực và né tránh những thứ tiêu cực, Fortune dẫn lời Smith. Tuy nhiên, nếu ứng viên không thể tìm ra những điều tích cực, người sếp đó chính là một cấp trên tồi.
Nếu ứng viên thực sự muốn tìm hiểu người sếp tương lai, Smith cũng đưa ra một cách khó hơn là nói chuyện với nhân viên đã/đang làm việc dưới quyền người đó về những gì họ đã phát triển hay học hỏi được từ người đó.
Giai đoạn đã nhận việc
Theo Sam DeMase, người sáng lập dịch vụ huấn luyện nghề nghiệp Power Mood, đây là thời điểm quan trọng để một nhân viên có thể thực sự hiểu người sếp của mình.
Dấu hiệu đầu tiên của một người sếp tệ mà nhân viên rất dễ nhận thấy là hay than bận. Ví dụ của dấu hiệu này là trong cuộc họp, họ chỉ tập trung cập nhật trạng thái làm việc thay vì tập trung vào phát triển và mục tiêu công việc.
Đối với những người đang phân vân không biết sếp mình tốt hay tệ, DeMase gợi ý nên viết nhật ký khi có bất kỳ một tương tác gây khó chịu nào đó xảy ra. Nếu cuốn sổ dần trở nên dày dặn, nhân viên đó tự có câu trả lời.
"Nhưng không bao giờ là quá muộn để cố gắng làm mọi thứ ổn thỏa với một người quản lý mà bạn cảm thấy không được ủng hộ", cô nói.
Trường hợp này, DeMase khuyến khích nhân viên nên có những cuộc trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với người sếp của mình. Hãy hỏi sếp về những điều mình cần làm để hoàn thành công việc một cách tốt nhất hoặc gợi ý lên lịch có những cuộc trao đổi cá nhân với sếp.
"Trước khi nhảy việc, hãy cứ nói chuyện cởi mở với sếp miễn là bạn cảm thấy có thể", DeMase nói.