Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Kiểu sếp quá yêu bản thân, khiến nhân viên muốn nghỉ việc

Những nhà lãnh đạo ái kỷ có thể gây ảnh hưởng đến niềm vui và các mối quan hệ của nhân viên, thậm chí khiến nhân viên kiệt sức.

kieu sep ai ky anh 1

Nghiên cứu năm 2020 của các nhà khoa học Pakistan phát hiện những nhà lãnh đạo quá yêu bản thân tác động tiêu cực đến sự hài lòng của nhân viên trong công việc, đồng thời ảnh hưởng đến niềm vui và hạnh phúc của nhân viên.

Tính ái kỷ của lãnh đạo không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, nhưng ít nhiều khiến nhân viên cảm thấy căng thẳng, có ý định nghỉ việc.

Nhà trị liệu tâm lý Amy Morin, giảng viên Tâm lý học tại ĐH Northeastern (Mỹ), nhận định những người sếp ái kỷ không hẳn là bị rối loạn nhân cách. Họ chỉ đơn giản thể hiện họ yêu bản thân quá mức và thiếu sự đồng cảm với những người xung quanh.

Kiểu sếp như vậy có xu hướng làm tổn thương nhân viên và biến cuộc sống của nhân viên thành cơn ác mộng.

"Những lãnh đạo quá yêu bản thân sẽ ảnh hưởng đến niềm niềm vui, các mối quan hệ của bạn, thậm chí có thể khiến bạn kiệt sức", bà Morin nói với CNBC, đồng thời chỉ ra 7 dấu hiệu của những nhà lãnh đạo quá yêu bản thân.

Thích được người khác hâm mộ

Những nhà lãnh đạo yêu bản thân thường thích được khen và luôn muốn được người khác vây quanh bằng những lời khen "có cánh". Do đó, kiểu sếp này thường thiên vị, đánh giá cao những nhân viên khen mình thay vì coi trọng những người làm việc tốt.

kieu sep ai ky anh 2

Sếp quá yêu bản thân sẽ ảnh hưởng đến nhân viên. Ảnh: Inc. Magazine.

Bà Amy Morin nhận định việc tâng bốc, khen ngợi sếp quá mức sẽ khiến mọi chuyện đi quá xa, đặc biệt là khi sếp là người quá yêu bản thân. Họ sẵn sàng tìm mọi cách để được khen mọi lúc, mọi nơi.

Bà lấy ví dụ những nhà lãnh đạo yêu bản thân có thể sẽ yêu cầu nhân viên chuẩn bị những nhận xét tích cực để chia sẻ trong cuộc họp của công ty.

"Họ sẽ làm mọi cách để được nhân viên khen ngợi và bày tỏ lòng ngưỡng mộ", bà Morin nói.

Không biết thông cảm với người khác

Một người sếp chỉ biết yêu bản thân sẽ rất khó thông cảm với những khó khăn của trong đời sống cá nhân của nhân viên.

Ví dụ, khi bạn gọi điện xin nghỉ làm do bị ốm hoặc gia đình có việc gấp, những người sếp này sẽ khăng khăng bạn vẫn có thể làm việc, hoặc phủ nhận mọi khó khăn bạn đang trải qua.

Theo bà Morin, câu cửa miệng của những kiểu sếp này là: "Sao bạn không thể làm việc?"; "Mọi chuyện khó khăn đến vậy à?"; "Bạn có đang cố gắng hoàn thành công việc không vậy?"...

Khi nhân viên đưa ra yêu cầu về thời gian nghỉ ngơi hoặc nhờ hỗ trợ trong công việc, những nhà lãnh đạo chỉ biết đến mình sẽ có xu hướng chế giễu nhân viên và không đáp ứng những điều đó.

Thao túng nhân viên bằng sự tức giận

Đôi khi, nhà lãnh đạo sẽ mất bình tĩnh và lớn tiếng với nhân viên. Tuy nhiên, những người yêu bản thân sẽ lấy sự tức giận như một công cụ để thao túng, kiểm soát nhân viên tại nơi làm việc.

Kiểu lãnh đạo này thường đập tay lên bàn, to tiếng quát mắng hoặc khiến nhân viên bẽ mặt. Họ cũng sử dụng những hành vi này để ép nhân viên làm những họ muốn, ví dụ giữ yên lặng về một vấn đề nào đó.

kieu sep ai ky anh 3

Sếp ái kỷ thích thao túng nhân viên bằng cơn tức giận. Ảnh: Getty Images.

"Các nhà lãnh đạo ái kỷ sẽ trừng phạt những người dám chống lại họ. Vì thế, không ai dám làm trái lệnh sếp", bà Morin nói.

Không tuân thủ quy tắc

Theo bà Amy Morin, những lãnh đạo quá yêu bản thân sẽ luôn cố cho mọi người thấy rằng những quy tắc không áp dụng cho họ. Mục tiêu của điều này là nhằm nhắc nhở nhân viên họ là cấp trên và được hưởng nhiều đặc quyền hơn.

Ví dụ, kiểu sếp này có thể cho nhân viên đặt phòng để họp, nhưng người này sẽ đuổi nhân viên ra ngoài khi cho rằng cuộc họp của anh ta/cô ta quan trọng hơn.

Tương tự, lãnh đạo ái kỷ không cho phép nhân viên làm việc tại nhà, nhưng họ sẽ ở nhà làm việc bất cứ khi nào họ cảm thấy thích.

Không bao giờ nhận lỗi

Bạn sẽ không bao giờ thấy những người sếp ái kỷ thừa nhận lỗi sai. Họ có xu hướng phủ nhận mọi lỗi lầm của mình, ngay cả khi người khác tận mắt chứng kiến.

Ví dụ, khi sếp quên giao việc và khiến bạn không thể hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ chối tội và khăng khăng rằng họ đã giao việc cho bạn. Kiểu sếp này sẽ không thừa nhận họ quên việc hoặc sai sót.

"Những người sếp như vậy khiến bạn phát điên hoặc khiến bạn cảm thấy bạn không hoàn thành tốt công việc", bà Morin nói thêm.

Thích tỏ ra mình là anh hùng

Những ông chủ, bà chủ yêu bản thân luôn thích đặt mình vào những tình huống khiến họ giống như "anh hùng" của câu chuyện đó.

Kiểu người này thích nhận vơ công lao của người khác hoặc của tập thể về mình hoặc chỉ đơn giản là tỏ ra mình là người đầu tiên giải quyết được vấn đề của công ty.

Bà Morin nhận định hành vi này đều liên quan đến việc những lãnh đạo ái kỷ thích được khen ngợi và ngưỡng mộ. Họ tự biến mình thành anh hùng để được người khác cảm ơn và dành lời khen.

Thích ra oai

Thể hiện năng lực, quyền hạn của bản thân là một đặc điểm thông thường của các nhà lãnh đạo. Nhưng với những người sếp quá yêu bản thân, họ thường dùng quyền lực vốn có để ra oai, "thổi phồng" danh tiếng của bản thân.

Kiểu lãnh đạo này sẽ phóng đại thành tích của bản thân và luôn cho rằng họ sẽ không bao giờ mắc lỗi trong công việc.

"Họ nói chuyện và dẫn dắt mọi người một cách tự tin. Nhưng họ sẽ khó đưa ra cách giải quyết khi kế hoạch không thành công", giảng viên ĐH Northeastern nói.

Dạng sếp không ai muốn làm chung

Chuyên gia Harvard chỉ ra 5 đặc điểm của một người sếp mà không ai muốn trở thành hoặc khiến nhân viên không muốn làm việc chung.

Thái An

Bạn có thể quan tâm