Tối 22/10, chị H. (30 tuổi, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) phát hiện chồng lái ôtô chở một phụ nữ khác, chị H. đã chặn đầu, trèo lên xe rồi đạp vỡ cửa kính chắn gió phía trước. Chị H. sau đó mở cửa xe, hành hung, cắn rách tai người phụ nữ trong ôtô.
Ra đầu thú tối 23/10, chị H. thừa nhận do ghen tuông nên gây ra vụ việc. Người phụ nữ bị đứt một phần tai đã được chuyển ra Hà Nội để điều trị.
Trường hợp này, chị H. sẽ bị xử lý ra sao?
Chị H. nhảy lên nắp ca pô ôtô của chồng đạp vỡ kính. Ảnh cắt từ clip. |
Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cho biết ngoại tình không phải lý do để các cá nhân được phép xâm phạm tới sức khỏe, tài sản của người khác. Ông Tiền đánh giá vụ việc có dấu hiệu của hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản và cố ý gây thương tích. Tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, chị H. có thể bị áp dụng chế tài xử lý thích hợp.
Đối với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, theo thông tin hiện có, đây không phải xe của hai vợ chồng mà là ôtô người chồng đi mượn. Do đó, cơ quan chức năng sẽ giám định giá trị tài sản thiệt hại của chiếc xe. Nếu giá trị tài sản thiệt hại dưới 2 triệu đồng, người phụ nữ có thể bị xử phạt 3-5 triệu đồng do có hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp đặc biệt theo luật định và chủ xe có đơn trình báo, người vợ có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Đối với hành vi cắn đứt tai người phụ nữ trong xe, cơ quan chức năng sẽ giám định thương tật nạn nhân. Đây là căn cứ quan trọng xác định chế tài hành chính hoặc hình sự đối với chị H.
Trích dẫn quy định tại Chương 12, Bảng 1 ban hành kèm theo thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, mức độ thương tật của người bị cắn đứt tai có thể ở các mức như 1-3% (sẹo vành tai không co rúm); 6-10% (Mất ít hơn 1/3 vành tai hoặc sẹo co rúm); 11-15% (Mất 1/3-2/3 vành tai) hoặc 16-20% (Mất nhiều hơn 2/3 đến hoàn toàn một vành tai). Như vậy, tỷ lệ thương tật đối với chấn thương tai có thể dao động ở mức 1-20%.
Trường hợp thương tật dưới 11%, người này có thể bị xử phạt về hành vi Cố ý gây thương tích với mức phạt 5-8 triệu đồng theo khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, chị H. có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích với mức án tối đa là 3 năm tù.
Trường hợp thương tật trên 11% và thuộc các tình tiết định khung tại khoản 1, khung hình phạt áp dụng có thể là 2-6 năm tù.
Nạn nhân bị cắn vào tai, phải chuyển ra Hà Nội điều trị. Ảnh: CACC. |
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cũng cho rằng các tội Cố ý gây thương tích và Cố ý làm hư hỏng tài sản có thể được áp dụng trong trường hợp này. Nếu chủ xe và cô gái bị cắn đứt một phần tai không yêu cầu xử lý, cơ quan chức năng vẫn có thể khởi tố chị H. về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.
"Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản, danh dự, nhân phẩm sức khỏe mọi công dân và bảo vệ trật tự công cộng. Dù người đàn ông có ngoại tình hoặc có những hành vi cư xử không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, người vợ cũng không được phép đập phá tài sản, xâm phạm sức khỏe người khác và gây mất an ninh trật tự", ông Cường cho biết.
Theo luật sư, để có căn cứ xử lý hình sự người phụ nữ này về tội Gây rối trật tự công cộng, cần xác định hành vi này đã gây hậu quả, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội. Hậu quả nghiêm trọng đó có thể là gây cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; cản trở sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức; gây chết người hay thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên...