Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cùng các đơn vị có liên quan vừa triệt xóa một đường dây cho vay nặng lãi có quy mô xuyên quốc gia, với sự tham gia của gần 300 nghi phạm.
Theo cơ quan chức năng, một số người Việt Nam và Trung Quốc điều hành đường dây cho vay nặng này. Khi đăng ký vay tiền qua ứng dụng điện thoại di động, người vay phải gửi toàn bộ danh bạ trong máy cũng như hình ảnh cá nhân. Khi chậm trả nợ, các nghi phạm sẽ gọi điện cho người thân của con nợ, cắt ghép hình ảnh đồi trụy rồi tung lên mạng xã hội...
Lãi suất mà nhóm này áp dụng có thể lên tới 1.570-2.190%/năm. Tổng số tiền đường dây này giao dịch là hàng nghìn tỷ đồng.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội
Hoạt động vi phạm pháp luật liên quan cho vay lãi nặng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp với đặc trưng là giải ngân không cần tài sản thế chấp. Nhiều người nhận thức được mức độ rủi ro nhưng vẫn chấp nhận vay tiền, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Mức lãi suất 1.570-2.190%/năm là quá cao so với mức lãi suất trần của Bộ luật Dân sự (tối đa 20%/năm). Do đó, kẻ cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo và thực hiện hành vi sẽ bị truy tố về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Với quy mô của đường dây nói trên, hành vi cho vay nặng lãi đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, số tiền thu lợi bất chính lớn, các nghi phạm có thể sẽ bị truy tố theo Khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù, hoặc phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung lên đến 100 triệu đồng, đồng thời cấm đảm nhiệm các công việc liên quan đến cho vay vốn trong khoảng 1-5 năm.
Gần 300 người được triệu tập để điều tra vai trò liên quan đường dây cho vay nặng lãi. Ảnh: T.A. |
Trong vụ án này, những "mắt xích" của đường dây còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hành vi xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác và cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Chế tài xử phạt sẽ phụ thuộc vào vai trò của từng người.
Những người làm thuê, thực hiện hành vi lần đầu theo sự chỉ đạo sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng theo Điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hoặc 10-20 triệu đồng theo Điểm g, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Những người cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cho tội danh này là phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.