Con gái tôi kêu đau bụng, không đi ngoài, kèm theo sốt. Đây có phải dấu hiệu của viêm ruột thừa không? Tôi nên làm gì?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Nghĩa, khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội)
Viêm ruột thừa là một cấp cứu bụng ngoại khoa có tần suất hàng đầu tại các cơ sở y tế, chiếm khoảng 30%. Viêm ruột thừa gặp ở mọi lứa tuổi, độ tuổi hay gặp là 15-40.
Viêm ruột thừa hay gặp trên lâm sàng, dễ chẩn đoán. Tuy nhiên, không chẩn đoán đúng và sớm sẽ để lại những hiểm hoạ khôn lường, biến chứng nặng nề, có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ và tính mạng. Vì vậy, chẩn đoán đúng và can thiệp ngoại khoa sớm trong vòng 24 giờ giúp bệnh nhân giảm thiểu biến chứng của viêm ruột thừa.
Triệu chứng của viêm ruột thừa:
Triệu chứng lâm sàng
- Người bệnh thường khởi phát bằng triệu chứng đau bụng. Đau bụng thường khu trú ở vị trí hố chậu phải, đau âm ỉ và liên tục. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có những khởi phát đau bụng ở thượng vị hoặc trên rốn. Sau đó, cơn đau mới lan dần đến hố chậu phải, khiến người bệnh chủ quan, nhầm lẫn với những bệnh nội khoa thông thường như viêm dạ dày.
- Người bệnh sốt 37,5-38 độ C, người mệt mỏi, là dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu không phát hiện điều trị sớm, mức độ đau và sốt sẽ tăng lên phụ thuộc độ nặng, biến chứng của viêm ruột thừa. Vì vậy, nếu có dấu hiệu đau bụng vùng hố chậu phải kèm biểu hiện của sốt và nhiễm trùng, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm.
Triệu chứng cận lâm sàng
- Xét nghiệm công thức máu: Bạch cầu tăng cao > 10 G/l, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao > 75%.
- Siêu âm có thể phát hiện được các dấu hiệu bất thường: Đường kính ruột thừa tăng, phát hiện dịch ổ bụng hay sự thâm nhiễm vùng bụng vị trí hố chậu phải quanh ruột thừa viêm.
- Ngoài ra, với những trường hợp khó, bác sĩ có thể đánh giá viêm ruột thừa thông qua chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, cộng hưởng từ ổ bụng.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.