Hoạt động kinh doanh nightlife ở TP.HCM và Hà Nội có xu hướng chững lại. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Dừng xe trên con phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trung Sơn (34 tuổi) hướng tầm nhìn vào mặt bằng rộng 200 m2 bị bỏ trống. Đây từng là quán bar tấp nập người ra vào của anh.
Tháng 10/2023, Sơn tự tay treo tấm biển đóng cửa vĩnh viễn sau hơn 1 năm hoạt động. Hiện nay, anh vẫn “còng lưng” gánh khoản nợ đến từ việc kinh doanh thất bại.
Những lý do dẫn đến quyết định đóng cửa được Trung Sơn liệt kê là mô hình kinh doanh chưa phù hợp, chi phí thuê mặt bằng lớn, sự bất đồng giữa các cổ đông và nhu cầu giải trí của khách hàng giảm mạnh.
Tại một quán bar khác ở quận 1 (TP.HCM), Nguyễn Đức (35 tuổi) cũng không biết liệu mình có thể trụ lại đến bao giờ. Quán của anh đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa bởi vắng khách, trong khi chi phí thuê mặt bằng lên tới 70 triệu đồng/tháng.
Sau khi liên hệ với nhiều bar, pub tại TP.HCM và Hà Nội, Tri thức - ZNews ghi nhận tình trạng ngừng hoạt động diễn ra tương đối phổ biến. Phần lớn cơ sở nightlife đóng cửa từ năm 2023 trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Theo một số chủ sở hữu các night club, khi nền kinh tế đi xuống, người tiêu dùng cắt giảm nhu cầu giải trí đầu tiên. Số lượng khách sụt giảm nhanh chóng khiến các cơ sở kinh doanh không thể duy trì chi phí vận hành, dẫn đến quyết định giải thể.
Thời hoàng kim
Trung Sơn và 3 cổ đông khác quyết định thành lập quán bar từ năm 2022, đón đầu “làn sóng” vui chơi, giải trí sau đại dịch Covid-19.
Anh là người nắm giữ nhiều cổ phần nhất, được những người còn lại tin tưởng giao cho nhiệm vụ chọn mô hình kinh doanh, concept quán và nhóm khách hàng mục tiêu. Sơn định vị cơ sở nightlife của mình ở phân khúc cao cấp.
Vì thế, anh chọn mặt bằng tương đối rộng, nằm trên con phố trung tâm, chấp nhận chi phí thuê lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Hướng đến tệp khách hàng thượng lưu, Trung Sơn “xuống tiền” trang bị nội thất cao cấp, đắt đỏ, nhập sofa từ nước ngoài về.
“Khoản chi phí xây sửa, trang trí không gian quán chạm mức hàng tỷ đồng, tạo ra áp lực lớn. Tuy nhiên lúc đó, tôi muốn làm chỉn chu, không thể xuề xòa với ‘đứa con tinh thần’ đầu tiên”, Sơn nói.
Nhiều quán bar hướng đến tệp khách thượng lưu, đầu tư nhiều vào nội thất, tốn khoản vốn đầu tư lớn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Trong thời gian đầu vận hành, quán thu về lượng khách ổn định nhờ mối quan hệ của các cổ đông. Phần lớn khách hàng là doanh nhân, đến quán để kết nối, xây dựng mối quan hệ làm ăn.
Hoá đơn của mỗi bàn 5-7 người vì thế lên đến 10-20 triệu đồng. Trong các dịp lễ, Tết, tỷ lệ khách đến quán đạt 80% sức chứa, đủ để duy trì hoạt động kinh doanh, bước đầu thu hồi vốn đầu tư.
Nguyễn Đức (35 tuổi, quận 4, TP.HCM) cũng là chủ một quán bar trên con phố sầm uất ở phường Đakao (quận 1). Quán anh mở cửa vào đầu năm 2020 và từng là địa điểm lui tới để giải trí của nhiều người trẻ.
Sau đại dịch Covid-19, các đơn vị nightlife đông khách do nhu cầu vui chơi, giải trí lớn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Quán của Đức có diện tích không quá rộng, sức chứa tối đa là khoảng 50 người. Đặc biệt, trong tối thứ Sáu, thứ Bảy, quán hầu như kín khách từ sớm và chỉ nhận khách đã đặt bàn từ trước.
Để giúp không khí thêm sôi động, vào ngày cuối tuần, quán của Đức luôn có đêm nhạc sống diễn ra 21h-23h. Ngoài ra, quán có hoạt động board game, máy ném bóng rổ để mọi người kết nối, làm quen.
Nhân viên của quán cũng được đào tạo bài bản để tăng trải nghiệm cho khách hàng. Ngoài ra, Đức đặc biệt yêu cầu bartender phải giao tiếp, trò chuyện với khách.
Ngoài bán các món đồ uống có cồn, quán còn trang bị thêm máy pha cà phê và nhập các loại bia thủ công về để thực khách có thêm lựa chọn.
“Tôi đã làm việc trong lĩnh vực bar, nhà hàng được hơn 15 năm. Tôi tận dụng những kiến thức, kinh nghiệm của mình nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách”, Đức nói thêm.
Lụi tàn
Tuy nhiên Đức cho biết việc vận hành quán bar vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện tại là “một quả bom nổ chậm”.
Quán anh bắt đầu có lượng khách ổn định cũng là thời điểm dịch Covid-19 ập đến. Việc đóng mở quán liên tục khiến anh gặp khó trong việc duy trì doanh thu, vận hành quán.
“Trong giai đoạn 2021-2022, nếu không có chủ mặt bằng hỗ trợ, chắc chắn tôi đã dẹp tiệm từ lâu”, Đức khẳng định.
Cầm cự đến sau dịch Covid-19, lượng khách đến quán bar bắt đầu ổn định trở lại. Theo lời chủ quán, đây là thời điểm tâm lý mọi người muốn giải tỏa, gặp gỡ sau chuỗi ngày giãn cách xã hội, vì thế quán anh nhận lại được sự quan tâm như xưa.
Tìm kiếm cổ đông để san sẻ khó khăn là hướng đi của một số nhà sáng lập các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nightlife. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tuy nhiên, giai đoạn này kéo dài không lâu. Từ nửa năm 2023 đến thời điểm hiện tại, quán bar này rơi vào tình cảnh ế khách.
Thậm chí, vào các ngày cuối tuần, tỷ lệ lấp bàn chỉ là 40%, tỷ lệ đặt bàn trước hầu như bằng 0. Các buổi biểu diễn acoustic không còn thu hút tệp khách trẻ. Cùng với đó, số lượng khách lạ tìm đến quán để trải nghiệm rất ít.
Tệp khách hàng hiện tại của Đức chủ yếu là khách quen, những người đã biết Đức từ khi anh còn vận hành một quán bar cũ.
Trước tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, Đức đã phải nghĩ đến phương án tìm cổ đông, thay đổi mô hình quán, cũng như ra mắt nhiều chương trình, combo hấp dẫn hơn.
“Tôi đã dùng đến gần như những đồng tiền cuối cùng của mình. Mỗi tháng, việc xoay sở 70 triệu đồng để trả tiền mặt bằng khiến tôi rất mệt mỏi, đó là chưa kể các khoản lương nhân viên, nhập hàng hóa, điện nước…”, Đức thở dài.
Đức nhờ các mối quan hệ, đăng bài lên mạng xã hội với mong muốn tìm được một người đồng hành, tin tưởng và quyết định đầu tư cùng anh. Tuy nhiên, với anh đây không phải câu chuyện đơn giản vì tầm nhìn, tư duy chiến lược và cách sử dụng vốn của họ khác nhau.
“Tôi hiện tại đang cầm cự, mọi thứ rất khó khăn. Nếu tôi quyết định đóng cửa lúc này, mọi công sức bao lâu nay như đổ sông đổ biển. Tôi sẽ chỉ còn tay trắng", anh nói.
Đức quyết định thay đổi toàn bộ layout quán, thu hẹp nhà vệ sinh, mở rộng mọi không gian có thể để quán bar thông thoáng hơn.
Anh từng dự định mở quán từ 13h để phục vụ bia cho nhóm khách văn phòng muốn tụ tập sớm. Song, ý tưởng này cũng bị dập tắt vì quán không có khách, không thể cạnh tranh với những mô hình bia đường phố trong khi tiền lương nhân viên, bảo vệ lại gia tăng vì họ đến làm từ sớm.
Hiện tại, anh đang đổi mới quán theo mô hình bar kết hợp với lounge, pha trộn giữa quán cà phê và bar, phục vụ cả đồ uống và thức ăn nhẹ cho thực khách.
“Tôi đang thử nghiệm mọi thứ, nếu cái nào không phù hợp tôi sẽ cân nhắc bỏ. Đó là cách để tôi nắm bắt tâm lý, sở thích khách hàng và cố gắng duy trì quán”, anh nói.
Trang trải chi phí vận hành là bài toán khó của không ít doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tương tự, đơn vị kinh doanh của Trung Sơn cũng trải qua thời kỳ loay hoay thay đổi trước khi chính thức đóng cửa. Sau Tết Nguyên đán 2023, quán bar của anh bắt đầu chứng kiến số lượng khách sụt giảm.
Tình hình kinh tế suy thoái, công việc làm ăn khó khăn, khách hàng doanh nhân ít ghé quán để xây dựng mối quan hệ đối tác. Tình trạng nhân viên đông hơn khách diễn ra thường xuyên trong suốt 3 tháng.
Nhận thấy bức tranh u ám này, Trung Sơn quyết định thay đổi tệp người dùng mục tiêu, hướng đến khách hàng trẻ. Để thu hút nhóm đối tượng này, anh tiến hành tổ chức các buổi biểu diễn EDM sôi động, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị trên mạng xã hội, áp dụng chương trình ưu đãi và thiết kế hàng loạt combo.
Tuy nhiên, ý tưởng này của Sơn không đạt hiệu quả như mong đợi. Trong khi anh tốn chi phí thuê DJ, MC Hype cho các buổi biểu diễn, dành nhiều tiền để chạy quảng cáo, số lượng người tiêu dùng trẻ ghé quán vẫn không cao.
Hơn nữa, khách hàng trẻ đến để giải trí, tụ tập cũng không “xuống tiền” nhiều như các doanh nhân. Doanh thu vì thế không đủ để trang trải tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, lương nhân viên, phí tu sửa không gian.
Nỗ lực chuyển đổi mô hình thất bại, Trung Sơn và 3 cổ đông còn lại liên tục bất đồng ý kiến, không thể đưa ra tiếng nói chung trong việc điều hành quán.
Cuối cùng, quán bar của anh chính thức đóng cửa vào cuối năm 2023, kết thúc hơn một năm hoạt động, để lại khoản nợ lớn cho Sơn và những cổ đông còn lại.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.