Đầu vào tiến sĩ: Khó vì...ngoại ngữ
Trước đây, một số ĐH làm sai quy chế của Bộ GD&ĐT, miễn thi đầu vào môn ngoại ngữ cho các học viên thạc sĩ. Họ phải tổ chức thi lại đầu vào cách đây gần 1 tháng.
>>20 tuổi tốt nghiệp đại học, 25 tuổi thành tiến sĩ
>>Sinh viên Trung Quốc đổ xô tới Mỹ học tiến sĩ
Tất cả các trường vi phạm quy chế phải tổ chức thi lại cho hàng nghìn học viên (trừ ĐH Quốc gia), gây tốn kém không ít, theo như các trường phản ánh.
Ông Tăng Văn Nghĩa, Trưởng khoa Sau đại học, ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường kiểm tra lại đầu vào của các thạc sĩ (Ths) đã được miễn thi, ĐH Ngoại thương tổ chức cho 103 người thi lại và kết quả là tất cả học viên đều qua với điểm số cao.
Một số trường ĐH cho rằng, đầu vào tiến sĩ cũng có những điều bất cập khiến các trường khó tuyển sinh. Các tân tiến sĩ ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2011. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, các trường ĐH đang lúng túng với quy định đầu vào của bậc học tiến sĩ (TS).
Câu hỏi được đặt ra là khả năng áp dụng của các trường đối với quy định đầu vào TS ra sao, có khả thi không... Người ta còn loan tin: một cán bộ của Bộ đã nói miệng: tùy các trường vận dụng, có thể cho thi nếu không có chứng chỉ... Các trường đặt câu hỏi: Thực hư câu chuyện là gì?
Theo bà Hoàng Thị Lan Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, Thông tư sửa đổi Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ quy định rất rõ: nghiên cứu sinh (NCS) đào tạo bậc TS được xét tuyển mà không tổ chức thi. Yêu cầu ngoại ngữ là một trong các mục trong hồ sơ cần phải có của người dự tuyển.
Người dự tuyển phải có một trong các chứng chỉ hoặc văn bằng ngoại ngữ sau đây: ít nhất là B1 hoặc bậc 3/6 của khung tham khảo châu Âu trong thời hạn 2 năm tính đến ngày dự tuyển NCS do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền hoặc một trường ĐH trong nước có đào tạo ngành ngoại ngữ tương ứng ở trình độ đại học cấp theo khung năng lực tương đương B1; có bằng tốt nghiệp hoặc bằng thạc sĩ ở nước ngoài hoặc bằng tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ. Bà Phương nói: Nếu không đủ các chứng chỉ theo quy định, người dự tuyển sẽ không được vào học.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Phòng Sau ĐH, ĐH Luật TPHCM đặt câu hỏi: Có bao nhiêu thẩm phán, bao nhiêu người làm trong ngành tư pháp đủ trình độ tiếng Anh như vậy để tham gia học TS theo yêu cầu? Bà nói: Nhiều trường ĐH đang lúng túng với quy chế này.
Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM, bà Mai Hồng Quỳ, nói: Hội đồng khoa học của ĐH này đã tốn nhiều thời gian và trí lực để họp bàn rất nhiều về chuyện đào tạo TS này.
Để thực hiện đúng quy chế của Bộ, những người cần được đào tạo khó đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ; những học viên trẻ có thể có đủ điều kiện thì yêu cầu học lên cao chưa cần kíp và chưa rõ ràng.
Bà Quỳ cho rằng, với những cử nhân luật trẻ tuổi, để ra trường phải có 450-470 điểm TOEIC nên việc đảm bảo yêu cầu đầu vào ngoại ngữ là điều không khó; nhưng những người đã tốt nghiệp ĐH từ lâu, làm việc trong một thời gian dài và đã trên 40 tuổi mà phải đạt được chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ thì vô cùng khó.
Yêu cầu này dẫn tới nghịch cảnh: những người cần học thực sự thì sẽ đứng ngoài cuộc vì không đủ điều kiện; những người đủ điều kiện thì nhu cầu học chưa thực sự rõ ràng.
Bà Quỳ nói rằng, trường bà đang bị cạnh tranh rất không lành mạnh vì vẫn có những cơ sở đào tạo sẵn sàng bất chấp quy chế, cho nợ đầu vào ngoại ngữ và công bố với người học.
Theo bà, quy định còn bất cập ở chỗ sinh ra những tiêu cực như chạy vạy, thi nhờ, thi hộ... Nếu không có cách tiếp cận mềm dẻo sẽ không thể vượt qua được những tiêu cực này, bà Quỳ nói.
ĐH Luật TPHCM đang đào tạo các bậc học Ths, TS cho các Sở Nội vụ, UBND tỉnh, tỉnh ủy, thành ủy... phía Nam.
Bà Quỳ cho biết: ĐH Luật TPHCM chuẩn bị làm tờ trình để xin phép Bộ GD&ĐT được thực hiện 3 điều mềm dẻo là cho phép trường được phân tầng tiêu chí về tuổi tác, nhu cầu trong công việc và đơn đặt hàng của các đơn vị NCS để định ra các yêu cầu khác nhau đối với môn ngoại ngữ.
Chúng ta đang sống trong hiến pháp và pháp luật vì vậy, mọi việc phải thực hiện theo quy định. Nếu trong quá trình thực hiện quy chế, có gì còn vướng mắc, các trường đề nghị để Bộ nghiên cứu, sửa chữa, bổ sung. Vừa qua, trong việc yêu cầu các trường thi lại đầu vào cho những học viên thạc sĩ đã được miễn thi, ĐHQG đã không cho thi lại, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu ĐHQG thực hiện theo đúng quy chế chung của Bộ GD&ĐT. Bà Hoàng Thị Lan Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT |
Theo Tiền Phong