Theo thông tin cách đây không lâu, nhiều diễn đàn đăng tải điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về việc cha mẹ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng nếu giữ tiền lì xì khi không được sự đồng ý của trẻ từ 6 tuổi trở lên.
Vậy cần hướng dẫn trẻ sử dụng khoản tiền “mừng tuổi” này như thế nào cho hợp lý?
Cần cho trẻ hiểu ý nghĩa của lì xì
Theo tục lệ truyền thống, lì xì cho người già, trẻ nhỏ mang theo ý nghĩa là điều may mắn, tốt lành. Tiền lì xì là lời chúc trẻ sang năm mới chăm ngoan, học giỏi, người già nhiều sức khỏe. Chính vì vậy, cha mẹ nên giáo dục con hiểu đúng ý nghĩa về khoản tiền này, tránh cho con việc so bì tiền ít tiền nhiều và bày tỏ thái độ đúng mực, trân trọng, lễ phép khi nhận tiền lì xì từ người khác.
Lì xì là khoản tiền riêng của con, cha mẹ không nên tịch thu mà nên dạy con chi tiêu khoản tiền đó hợp lý. Ảnh: The Asian Parents. |
Không tịch thu tiền lì xì của con
"Trẻ con chưa biết tiêu tiền", đây là suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh và từ đó chọn cách giữ tiền thay con và chi tiêu cho tương lai. Thực chất, đây là khoản tiền của riêng trẻ. Do đó, cha mẹ không nên tịch thu số tiền này, dễ khiến trẻ sinh ra cảm giác ấm ức, khó chịu và nhen nhóm suy nghĩ không phục trước hành động của cha mẹ.
Thay vì giữ số tiền đó, cha mẹ nên hướng dẫn con một cách khéo léo, đưa ra cho con những lời khuyên để chi tiêu khoản tiền đó một cách hợp lý.
Giáo dục trẻ mỗi đồng tiền kiếm ra người lớn đều rất vất vả
Sau khi nhận được tiền lì xì, nhiều trẻ sẽ sử dụng nó vào những mục đích chưa hợp lý như mua đồ chơi, tiêu xài phung phí… Điều đó xuất phát từ suy nghĩ số tiền này là của người khác cho, trẻ không tốn công sức kiếm được. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con rằng mỗi đồng tiền kiếm được người lớn đều rất vất vả. Khi hiểu được điều đó, trẻ sẽ ý thức hơn về cách tiêu tiền của bản thân, không chỉ với khoản lì xì mà còn những khoản tiền tiêu khác.
Cùng con lập kế hoạch chi tiêu khoản tiền
Thay vì tìm cách giữ các khoản tiền lì xì, cha mẹ nên gợi ý cho con một số kế hoạch, mục tiêu chi tiêu tiền hợp lý như: mua sách vở, đồ dùng học tập, đóng góp cho các khoản chi tiêu nhỏ hoặc làm từ thiện, nuôi heo tiết kiệm… Điều đó vừa giúp trẻ biết cách tiêu tiền đúng cách, vừa giúp bé học thêm một số bài học về lòng nhân ái, đức tính tiết kiệm.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên theo sát con để biết tình hình chi tiêu, thực hiện kế hoạch của con đến đâu để có những điều chỉnh phù hợp.