T
rà sữa được biết đến như một trong những thức uống phổ biến nhất hiện nay. Đối với nhiều người trẻ, đặc biệt là tại Sài Gòn, uống trà sữa là nhu cầu cá nhân không thể bỏ qua. Vì thế, việc chi 50.000-60.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng, cho một cốc trà sữa là chuyện khá bình thường.
Ngay cả những "tín đồ trà sữa" cũng thừa nhận rằng mức giá trên không hề rẻ cho một loại thức uống. Và đây là 6 lý do họ giải thích cho thói quen "rút ví" hàng ngày của mình.
1. Đừng tiếc tiền cho niềm vui
Chia sẻ với Zing.vn, Vũ Hải Đăng (23 tuổi, nhân viên Công ty Harvey Nash tại TP.HCM) tự nhận mình là một trong những "tín đồ trà sữa" chính hiệu. Cô cho biết trung bình uống 2-3 cốc/ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn ngắn của Zing.vn, 70% người được hỏi tiết lộ rằng trà sữa là một trong những thức uống họ yêu thích nhất.
Giải mã sức hút của trà sữa, nhiều người cho biết họ yêu thích bởi mùi vị ngon và dễ uống. Theo thời gian, đồ uống này luôn được làm mới bởi nhiều loại mùi hương, toping phong phú, hấp dẫn.
Hải Đăng cũng vậy, cô thích trà sữa vì vị ngọt và đắng hòa quyện. Sau khi dùng nhiều, cô không thích những loại thức uống khác nữa.
"Không chỉ uống trà sữa để giải khát, mình còn cảm thấy được thư giãn, xả stress. Hiện giờ, quán nước 'mọc lên như nấm' với thực đơn phong phú, nhưng trà sữa vẫn là ưu tiên hàng đầu của mình và bạn bè như thói quen khó bỏ", 9X tâm sự.
Trà sữa là thức uống yêu thích của nhiều bạn trẻ hiện nay. |
Đối với nhiều bạn trẻ Sài Gòn, uống trà sữa được xem là sở thích cá nhân ngang hàng với những đam mê khác như du lịch, xem phim, đọc sách, chơi game... Vì vậy, việc sẵn sàng bỏ tiền ra để mang lại niềm vui cho mình là điều dễ hiểu.
Ngọc Minh (22 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng mọi người nên có cái nhìn công bằng hơn với trà sữa.
"Tại sao bỏ tiền cho sở thích khác thì được xem là chính đáng, còn uống trà sữa lại là lãng phí? Khi uống trà sữa, mình thấy vui và số tiền bỏ ra là xứng đáng. Đối với mình, việc mua trà sữa cũng giống người yêu mỹ phẩm mua son, kẻ thích thời trang sắm quần áo", Minh nói.
2. 50.000 đồng - không đắt cho trà sữa 'chuẩn quốc tế'
Một trong những điều hấp dẫn giới trẻ ở trà sữa là sự xuất hiện của loạt thương hiệu đến từ nước ngoài. Ngay tại phố Nguyễn Huệ, có đến hơn 20 cửa hàng trà sữa khác nhau và con số này đang tăng lên từng ngày.
Du nhập vào Việt Nam, trà sữa ngoại quốc mang theo công thức pha chế, nguyên liệu đạt chuẩn.
Nguyễn Trang Minh Đức (19 tuổi, du học sinh Canada) từng trở thành tâm điểm chú ý khi có bài phân tích về trà sữa trên trang cá nhân.
Theo đó, Minh Đức cho biết xét trên phương diện giá cả, một cốc trà sữa dao động từ 4,5-6 đô (tỷ giá CAD 1 đô là 17.000 đồng), cộng thêm các loại toping, trà sữa tại nước ngoài có giá trên dưới 100.000 đồng. Cùng một loại thức uống đó, tại Việt Nam có giá 50-60.000 đồng.
Có thể nhận thấy sự chênh lệch về giá cả chịu sự tác động từ nhiều yếu tố. Còn xét về mùi vị của cốc trà sữa, 9X cho biết loại trà sữa mình từng uống ở Việt Nam lẫn Canada không mấy khác nhau.
Phương Thảo (22 tuổi, sống tại TP.HCM) đồng tình với ý kiến này. Không chỉ ở Canada, ngay tại Đài Loan, nơi "khai sinh" của trà sữa, mùi vị vẫn giữ nguyên khi mang về Việt Nam.
"Không chỉ đưa thương hiệu từ nước ngoài, các quán trà sữa còn phải pha chế theo tiêu chuẩn. Điều này khiến mình cảm thấy có được sự công bằng và hài lòng vì với 50.000 đồng là có được một loại thức uống theo đúng chuẩn quốc tế", cô nhận xét.
3. 'Tiền nào của nấy'
Mức giá trung bình của một cốc trà sữa tại "phố trà sữa" là 40.000-50.000 đồng và được xem là mức giá không hề thấp.
Hải Đăng tính toán nếu không uống trà sữa, mỗi tháng, cô sẽ tiết kiệm được 2-3 triệu đồng.
Những quán trà sữa mọc lên san sát và được trang trí đẹp mắt. |
Quỳnh Nhi (20 tuổi, sống tại TP.HCM) cho hay cô sẵn sàng bỏ số tiền cao để mua ly trà sữa có chất lượng tương xứng vì uy tín của cửa hàng.
"Với số tiền 40.000-50.000 đồng, mình cảm thấy yên tâm hơn về cốc trà sữa đang uống. Không chỉ an toàn, mùi vị cũng ngon hơn loại 15.000-20.000 đồng", Nhi tâm sự.
Huỳnh Ngọc (24 tuổi, chủ quán trà sữa tại TP.HCM) nhận định mức giá 50.000 cho một cốc trà sữa là hợp lý.
"Đối với những quán sang trọng, giá đó là bình thường. Bạn có không gian đẹp, phòng có máy lạnh, người phục vụ… Mức giá này đã bao gồm luôn các dịch vụ đi kèm.
Thực tế, giá tiền không hoàn toàn nói lên chất lượng trà sữa. Những hàng quán nhỏ, không mất nhiều chi phí phát sinh sẽ kéo theo mức giá tương xứng, không chặt chém khách hàng", nữ chủ quán nói.
4. Trào lưu chưa bao giờ hết hot
Du nhập về Việt Nam cách đây hơn 15 năm, trà sữa nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều người, từ học sinh, sinh viên đến dân công sở. Từ đó đến nay, trà sữa luôn không ngừng đổi mới về cả chất lượng đến hình thức.
Đặc biệt, các quán trà sữa ngày càng có sự đầu tư về không gian. Giai đoạn manh nha, nó chỉ là những hàng quán vỉa hè cho học trò tụ tập. Theo thời gian, các hàng quán mọc lên san sát và đẹp mắt.
Với việc trang trí theo nhiều phong cách mới mẻ, nơi đây không chỉ đáp ứng nhu cầu họp mặt, mà còn phù hợp cho việc chụp ảnh "sống ảo" của giới trẻ.
"Mình thích đến quán trà sữa vì ở đó có không gian, nước uống lý tưởng. Đặc biệt, khi học nhóm hay làm bài tập, chúng mình có thể ngồi lại trong một khoảng thời gian dài", Nguyễn Gia Huy (20 tuổi, sinh viên Đại học RMIT) cho biết.
Với sự tập hợp của hơn 20 thương hiệu trà sữa san sát nhau, phố đi bộ Nguyễn Huệ giờ có thêm cái tên mới: "Phố trà sữa". Hình ảnh thường thấy của bạn trẻ ở khu vực này là cầm cốc trà sữa trên tay, trò chuyện vui vẻ cùng nhau.
5. Trà sữa... là đầu câu chuyện
Một trong những địa điểm lý tưởng để hẹn hò, học nhóm, tâm sự của nhiều bạn trẻ Sài Gòn hiện nay là quán trà sữa. Nơi đó có nước ngon, máy lạnh, không gian "sống ảo" và môi trường trẻ trung. Đồng thời. với sự xuất hiện của rất nhiều quán trà sữa, không khó để người trẻ có thể chọn được một nơi gặp gỡ hợp ý.
Sơn Trà (24 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) chia sẻ kỷ niệm: "Lần đầu hẹn hò của mình với bạn gái là trong quán trà sữa. Nơi đây giúp bọn mình cảm thấy khá thoải mái, thư giãn. Sau này, cả hai có thói quen cùng nhau khám phá những hiệu mới, lạ về Việt Nam".
"Du học sinh xa nhà nhớ nhất là những ngày lê la quán trà sữa với bạn bè ở Việt Nam", đó là tâm sự của Nhung Võ (23 tuổi, đang học tập tại Mỹ).
Với Nhung Võ, trà sữa có thể kết nối mọi người. Lúc trước khi ở Việt Nam, hẹn hò ai, công việc gì, cô cũng ra quán trà sữa. Thậm chí, 9X còn có cả nhóm bạn "ruột" chuyên uống trà sữa.
"Bạn không thể đánh giá cốc trà sữa chỉ qua vài chục nghìn đâu, vì nó có nhiều giá trị vô hình lắm", Nhung nói.
Không ít người chọn trà sữa là nơi gặp gỡ, hẹn hò. |
Hay như Nguyễn Trang Minh Đức, cậu sẵn sàng lặn lội 30 km để tặng cho bạn mình một cốc trà sữa. Đổi lại là niềm vui mà không thể quy ra được thành tiền.
"Tình yêu không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, chỉ chuyển từ ly trà sữa này sang ly trà sữa khác.
Trà sữa là cầu nối giữa những người chưa quen biết. Trà sữa để tà lưa những trai xinh gái đẹp. Trà sữa để chữa lành những trái tim đang giận dỗi.
Trà sữa là lời hứa của những đôi bạn thân đi du học. Trà sữa là nơi nương tựa những lúc ta yếu mềm (và khi cái ví còn dày).
Trà sữa xứng đáng được vinh danh là một trong những đồ uống tuyệt vời nhất thế giới! Trà sữa nữa, trà sữa mãi!", Minh Đức dí dỏm viết trên trang cá nhân và nhận được không ít sự đồng tình.
6. Tạo động lực kiếm tiền
Bên cạnh trà sữa, có rất nhiều loại thức uống khác nhau có mặt trên thị trường với biên độ giá cả lớn. Đối với một số người, việc dành ra hơn 50.000 đồng để mua trà sữa là lãng phí. Vì cùng mức giá này hoặc thấp hơn, họ vẫn có được sự lựa chọn ngon, bổ, rẻ.
Tuy nhiên, "hội yêu trà sữa" cho hay sở thích này giúp họ có thêm động lực kiếm tiền.
"Khi mình tiêu nhiều, mình sẽ cố gắng làm nhiều hơn để bù đắp lại. Việc uống trà sữa không lãng phí vì nó là sở thích. Song với những người không thích trà sữa, họ có thể chọn thức uống khác hợp túi tiền của mình hơn", Hải Đăng nhận định.
Anh Tuấn (17 tuổi, sinh viên Cao đẳng nghề Thủ Đức) nhận thấy mức giá trên 50.000 đồng cho một cốc trà sữa là tương đối cao. Là sinh viên, Tuấn chủ yếu được gia đình chu cấp. Do vậy, chàng trai đã chọn lựa việc làm thêm để có thể tự chủ trong những sở thích cá nhân, đặc biệt là trà sữa.
"Ở Thủ Đức, lương làm phục vụ của mình là 12.000 đồng/giờ, có khi cao hơn là 15.000 đồng. Trừ những giờ đi học, mình tranh thủ làm thêm, một tháng thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng. Số tiền này mình mua đồ đạc cá nhân và đi uống trà sữa với bạn bè", nam sinh tiết lộ.
Nhiều bạn trẻ hiện nay quan niệm tiêu tiền mới có động lực kiếm tiền. |
Kim Ngọc (23 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm) hiện là gia sư cho 2 học sinh tiểu học. Cô cho biết cha mẹ cũng ủng hộ việc này để có thể tự trang trải tiền trà sữa và có thêm kinh nghiệm.
"Uống trà sữa 15.000-20.000 đồng thì phù hợp túi tiền sinh viên nhưng mình hơi ngại về chất lượng. Trong khi đó, những quán trà sữa uy tín có vẻ hợp vệ sinh và mùi vị cũng ngon hơn. Bỏ số tiền cao để mua được chất lượng thì hoàn toàn hợp lý", Ngọc cho hay.
Phượng Hằng (26 tuổi, nha sĩ tại TP.HCM) tiết lộ thu nhập hàng tháng của cô trên 20 triệu đồng. Cô cảm thấy trà sữa giá 50.000 đồng là hợp túi tiền.
"Đối với mình mức giá này hợp lý, mình sẵn sàng chi cao hơn để có một cốc trà sữa chất lượng. Thông thường, mình thường uống trà sữa có giá từ 60.000-70.000 đồng", 9X chia sẻ.