Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy 'làm ăn' từ… ghế nhà trường!

Từ đầu năm 2013, Bộ GDĐT đã nhen nhóm ý tưởng triển khai rộng rãi trên toàn quốc môn kinh doanh trong trường phổ thông. Nội dung này đã được thí điểm tại một số trường từ năm 2006 và tới năm nay sẽ có thêm nhiều trường đưa vào giảng dạy.

Dạy 'làm ăn' từ… ghế nhà trường!

Từ đầu năm 2013, Bộ GDĐT đã nhen nhóm ý tưởng triển khai rộng rãi trên toàn quốc môn kinh doanh trong trường phổ thông. Nội dung này đã được thí điểm tại một số trường từ năm 2006 và tới năm nay sẽ có thêm nhiều trường đưa vào giảng dạy.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định, chương trình phổ thông sau năm 2015 sẽ có môn kinh doanh với tư cách là môn học tự chọn. Thí điểm ở phạm vi hẹp đã có kết quả khích lệ, tuy nhiên, để triển khai rộng trên toàn quốc lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Ý tưởng hấp dẫn

Vài năm trở lại đây, số lượng HS đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng chiếm tới hơn 40% số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Số đông HS thi vào những ngành học làm nhà kinh doanh nhưng suốt 12 năm học phổ thông, những môn các em phải “mài giũa” lại chỉ là toán – lý – hóa hoặc toán – văn – ngoại ngữ cùng định hướng nghề nghiệp khá mơ hồ. Cùng với đó, hằng năm có khoảng 30% số HS tốt nghiệp THCS không vào trường THPT và khoảng 80% HS tốt nghiệp THPT không học tiếp ĐH, CĐ mà tham gia lao động sản xuất. Nhiều thanh niên, học sinh trong độ tuổi lao động có nhu cầu tự tạo việc làm và lập nghiệp, trong đó có nghề kinh doanh.

Chương trình phổ thông sau năm 2015 sẽ có môn kinh doanh với tư cách là môn học tự chọn.

Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GDĐT, cho rằng giáo dục kinh doanh sẽ giúp HS phát triển một cách toàn diện trong việc nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống, không ngại rủi ro. Bên cạnh đó, giáo dục kinh doanh có thể xem là một hình thức giáo dục hướng nghiệp hiệu quả, bồi dưỡng những ý tưởng kinh doanh sáng tạo của giới trẻ. Hiện mỗi năm nước ta tạo ra khoảng trên 1,2 triệu việc làm, trong khi dân số trong độ tuổi lao động là trên 52 triệu người. Chúng ta lại đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nên nguy cơ sẽ có nhiều lao động dôi dư trong tương lai.

Cùng chung lo lắng này, đại diện Sở GDĐT Trà Vinh cho biết tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn ở tỉnh này còn rất thấp, chiếm chưa đến 2% ở tất cả các nhóm tuổi. Chính vì vậy mà “sẽ là muộn nếu chúng ta chờ đến khi HS vào đại học mới học chương trình này” - ông Hoàng Ngọc Vinh khẳng định.

Còn nhiều bàn cãi

Ý tưởng dạy trẻ cách kinh doanh từ khi còn nhỏ phần nào đã được hiện thực hóa. Tuy nhiên, trước cơ hội mở rộng giảng dạy môn kinh doanh trong trường phổ thông ở Việt Nam thì ý tưởng này lại trở nên… viển vông,  thiếu thực tế khi đứng trước hàng loạt khó khăn: Chưa có chuẩn đào tạo, chưa có chương trình và chưa có cả đội ngũ giáo viên…

Theo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), kinh doanh sẽ được dạy từ cấp THCS theo hình thức lồng ghép với một số môn như công nghệ, giáo dục công dân, hoạt động giáo dục hướng nghiệp… Ở bậc THPT sẽ hình thành chủ đề tự chọn có tên "Nghề kinh doanh" với 105 tiết, bắt đầu dạy từ lớp 11. Ý tưởng này được PGS. TS Đào Thái Lai (thành viên ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015) ủng hộ với quan điểm: Lên bậc THPT, xu hướng ngành nghề rất đa dạng. Vì thế, bên cạnh các môn bắt buộc như văn, toán, ngoại ngữ nên có nhiều môn tự chọn cho HS, trong đó có môn kinh doanh.

Việc một vài bạn trẻ đã tự tổ chức mô hình kinh doanh phù hợp năng lực sau khi tốt nghiệp không còn quá xa lạ.

PGS. TS Nguyễn Văn Khôi - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lại cho rằng không nên coi giáo dục kinh doanh là môn độc lập vì chương trình giáo dục phổ thông hiện đã quá tải mà nên tích hợp với các môn hiện có. Ông Lê Kim Long - Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cùng quan điểm khi nhận xét nội dung cần dạy cho HS là rất nhiều, không thể ôm đồm, gây áp lực cho HS.

“Chỉ cần dạy các em những kiến thức cơ bản về vấn đề này như việc quy trình, các vấn đề về đầu tư, lãi suất, hiệu quả kinh doanh… Do đó, có thể tích hợp với các môn học sẵn có trong nhà trường” – ông Long đề xuất. Và vấn đề nổi cộm nhất khiến ngay cả những người trong cuộc cũng phải ngần ngại là lực lượng giáo viên tham gia giảng dạy môn học này. “Ai sẽ là người dạy, giáo viên hay doanh nhân? Nếu là giáo viên thì kiêm nhiệm hay đào tạo riêng?” - ông Hoàng Ngọc Vinh nêu hàng loạt câu hỏi cụ thể để kết luận ý kiến: Với thực tế triển khai nội dung này được 2 năm tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, thì theo ông, giáo viên vẫn là vấn đề đau đầu nhất.

Trước phương án được Vụ Giáo dục Trung học đưa ra là tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy kiêm nhiệm, thì trên thực tế áp dụng giảng dạy, ông Kiên Sorit - Hiệu trưởng Trường THPT Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - một trong những trường đã thực hiện thí điểm việc đưa nội dung kinh doanh vào giảng dạy, khẳng định ngay là rất khó. Ông Sorit cho biết, bản thân giáo viên phải yêu thích kinh doanh, có trải nghiệm thực tế thì việc dạy mới hiệu quả. “Thiếu kinh nghiệm thực tế nên khi dạy, giáo viên đôi khi thiếu tự tin và khó thuyết phục được HS. Nội dung giảng dạy vì thế cũng khô cứng, lý thuyết, thiếu sinh động”. Thêm vào đó là vấn đề chế độ.

Mỗi giáo viên đều đã có một môn dạy riêng, khi đi học, kiêm thêm nội dung kinh doanh nhưng chế độ không thay đổi (vì vẫn hưởng lương theo biên chế) nên nhiều khi giáo viên không nhiệt tình. Đó là chưa nói đến vấn đề tài liệu, nội dung dạy học.

Trên thực tế, ngành giáo dục vẫn chưa “chốt” được phương án chuẩn, mà theo như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, thì có hai cách tiếp cận: Hoặc ngồi nghĩ ra chuẩn kiến thức, kỹ năng rồi từ đó xây dựng chương trình SGK, hoặc sử dụng tài liệu có sẵn mà các nước trên thế giới đang sử dụng để dạy môn này trong trường phổ thông. “Cái gì mình tự làm được thì làm. Nếu không làm được mà thế giới có sẵn rồi, họ làm tốt rồi thì đi mua. Như chương trình môn kinh doanh này chẳng hạn, hai mươi mấy nước đã sử dụng rồi, khi làm thí điểm mình cũng dùng của họ thì bây giờ cái nào tốt rồi thì dùng, cái nào chưa tốt thì điều chỉnh cho tốt”. Cũng theo ông Hiển, coi kinh doanh là một môn học nghề hay chủ đề tự chọn không quan trọng bằng việc HS phải thích và môn học phải đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bà Lê Vân Anh - Viện Khoa học giáo dục VN, thừa nhận, mục tiêu của chương trình không nhằm tạo ra “các giám đốc”. Tuy vậy, hy vọng qua đây các em có thể tự khám phá bản thân và có thêm các kỹ năng sống “ngoài kinh doanh” như lập kế hoạch, đàm phán, thuyết phục, làm việc nhóm… để có thể vững vàng hơn khi bước ra cuộc đời sau khi tốt nghiệp THPT.

Xu thế của thế giới

Giáo dục kinh doanh được các nước trên thế giới rất chú trọng. Năm 2012, ở Châu Âu có 6 quốc gia và 2 vùng lãnh thổ đã có chiến lược cụ thể triển khai giáo dục quản lý kinh doanh ở cấp tiểu học và trung học. Chính phủ Bỉ đã phê chuẩn Kế hoạch hành động 2011-2014 để chuẩn bị cho HS khả năng tự tạo việc làm. Chính phủ Thụy Điển từ năm 2009 đã xem việc dạy quản lý kinh doanh là một nội dung lồng ghép của hệ thống giáo dục. Tại  Bulgaria và Latvia, giáo dục quản lý kinh doanh thuộc môn học Kinh tế gia đình và Công nghệ; tại Lithuana giáo dục quản lý kinh doanh được tích hợp vào các môn khoa học xã hội và một phần của các môn khoa học tự nhiên.

Hơn 77% học sinh có năng lực kinh doanh?

Đã có 2.164 HS của 7 trường THPT và 4 trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia thí điểm giáo trình giáo dục về kinh doanh. Sau khóa học có 49,3% HS mong muốn khởi nghiệp kinh doanh, 69,8% HS khẳng định có đủ kiến thức và kỹ năng để khởi nghiệp kinh doanh. Tỉ lệ HS có năng lực kinh doanh được xác định ở mức 77,3%. 

Theo Lao Động

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm