Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy lịch sử thông qua âm nhạc

Tuy chỉ có 8 em lựa chọn môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng đa số học sinh trường THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang lại luôn háo hức chờ đợi tiết học của cô Nguyễn Thị Huệ.

Tìm gặp cô Nguyễn Thị Huệ khi đang có tiết dạy môn Lịch sử ở lớp 12A12, chúng tôi khá bất ngờ khi lớp học sôi động trong tiếng vỗ tay theo nhịp bài hát Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận do một học sinh trong lớp thể hiện. Khi bài hát vừa kết thúc, một học sinh khác lại xung phong biểu diễn Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Cô Huệ lúc nào cũng gây hứng thú học sinh.

Cô Huệ cho biết, cả lớp đang ôn lại các bài học lịch sử Việt Nam từ những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1950) cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, em Nguyễn Bích Xuân, học sinh lớp 12A12, nói ngay: “Giờ học lịch sử của cô Huệ lúc nào cũng sinh động và hào hứng. Từ khi cô đưa âm nhạc vào dạy lịch sử, chúng em yêu thích môn học và học cũng dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Trước mỗi bài học, cô đều yêu cầu chúng em tìm những bài hát phù hợp nội dung, ý nghĩa của bài học. Nhờ đó, chúng em biết và thuộc được rất nhiều bài hát cách mạng, càng tự hào về lịch sử của dân tộc, thêm yêu đất nước Việt Nam”.

Cô Huệ chia sẻ, dạy lịch sử phải tạo cho các em tinh thần thoải mái, không áp lực thì các em mới yêu thích. Vì vậy, để tạo hứng thú cho học sinh, nhiều giáo viên trong trường đã lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử hay ca dao, tục ngữ, hò vè, tổ chức trò chơi ô chữ để củng cố kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin với các đoạn phim tư liệu, khai thác tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ…

Khi còn học ở đại học sư phạm Vinh, cô Huệ đã luôn ấp ủ ước mơ sử dụng âm nhạc vào dạy học lịch sử Việt Nam. Hơn 10 năm giảng dạy tại trường THPT Lý Tự Trọng, cô đã dần dần thực hiện được ước mơ của mình. Với kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, cô đã mạnh dạn làm một đĩa gồm các bài hát theo thứ tự các bài học lịch sử Việt Nam lớp 12.

Ví dụ khi nói về Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác-Lênin, cô sẽ sử dụng bài hát Dấu chân phía trước (Phạm Minh Tuấn) và Ánh sáng Lênin (Nguyễn Văn Quý) để minh họa cho bài giảng. Hoặc cô sử dụng bài hát Mười chín tháng Tám (Xuân Oanh) để nhắc nhở học sinh không quên ngày giành độc lập 19/8/1945.

Vừa qua, cô Nguyễn Thị Huệ đã đạt giải A trong Hội thi thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh năm học 2013-2014. , Sự hứng thú, yêu thích của học sinh đối với giờ học lịch sử của cô Huệ đã cho thấy âm nhạc là con đường gần nhất để đến với tâm hồn con người.

http://www.baokhanhhoa.com.vn/xa-hoi/giao-duc/201404/day-lich-su-thong-qua-am-nhac-2308357/

Theo Báo Khánh Hòa

Bạn có thể quan tâm