Chương trình “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm” chủ đề “Cùng Kun làm việc tốt mỗi ngày” do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp thương hiệu Kun - Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) tổ chức. Không chỉ là hoạt động hướng đến kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, sự kiện còn mong muốn dạy trẻ về lòng biết ơn. Trong bối cảnh bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi, giáo dục trẻ nhỏ về nhân cách - đặc biệt là lòng biết ơn - được xem là giải pháp cần thiết.
Những lời cảm ơn không phải “để gió cuốn đi”
Trong phần giao lưu giữa chương trình, TS Tô Nhi A - chuyên gia tâm lý - hướng dẫn các bé viết cảm nghĩ, lời cám ơn để gửi đến thầy cô giáo.
Dưới sự chỉ bảo tận tâm của nữ chuyên gia, em Tô Ngọc Thiên Thanh (học sinh lớp 5.4, trường Tiểu học Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre) viết: “Con cảm ơn cô giáo vì mang đến những bài học hay và bổ ích, dạy con học nói, học viết và từng điều mới mẻ”.
Nắn nót từng chữ, em Hồ Ngọc Thu (học sinh lớp 3, trường Tiểu học Mỹ Thạnh An) viết chậm rãi: “Con cảm ơn cô giáo vì luôn dịu dàng khi con mắc lỗi. Con xin hứa sẽ làm tốt hơn. Con yêu cô!”.
Hơn 2.000 em nhỏ viết lời cảm ơn thầy cô trong chương trình “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm”. |
Hơn 2.000 lời cảm ơn của học sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre dành cho thầy cô chứa đựng hàng nghìn câu chuyện, lời yêu thương mà các em đã ấp ủ trong lòng từ lâu.
Là người đọc gần như trọn vẹn những lời chia sẻ của học sinh, anh Lê Anh Quân - Phó chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương - xúc động: “Trẻ em không nói dối, khi viết thì càng thật lòng”. Anh cũng nhận định nếu không nhận được yêu thương hàng ngày, các em sẽ khó viết ra lời cảm ơn chân thành. Nếu có, đó cũng chỉ là câu khách sáo.
“Hơn 2.000 lời cảm ơn là kết quả của hành trình yêu thương mà thầy trò dành cho nhau. Những lời cảm ơn của các em hôm nay là nét đẹp trong văn hoá ứng xử, để mọi người yêu thương và chia sẻ với nhau nhiều hơn”, anh nói thêm.
Không chỉ thầy cô, các em còn nắn nót viết lời cảm ơn đến cha, mẹ, ông, bà… |
Là người dẫn dắt hoạt động, TS tâm lý Tô Nhi A nhận định cốt lõi của hạnh phúc là lòng yêu thương. Ai cũng cần chia sẻ, trân quý những giá trị cuộc sống, biết ơn người thân và người xung quanh. Bởi những gì chúng ta có được đến từ sự đóng góp của từng cá nhân, người thân, thậm chí là người xa lạ.
“Đơn giản như việc đến trường hàng ngày - đây không phải chuyện hiển nhiên. Để trẻ được đến lớp, tiếp nhận kiến thức, vui đùa cùng bè bạn, ba mẹ phải tần tảo sớm hôm, thầy cô vất vả soạn giáo án và cập nhật kiến thức, hy sinh thời gian công sức. Khi biết được công lao của thầy cô, cha mẹ, các em sẽ khởi sinh lòng biết ơn”, nữ chuyên gia chia sẻ.
Lòng biết ơn giúp chúng ta - đặc biệt các em nhỏ - có nền tảng yêu thương mọi người và môi trường, từ đó thêm động lực để kiến tạo giá trị cho cuộc sống, con người. Đây là phương pháp rèn luyện bản thân để trở thành người hạnh phúc, sống có ích.
Tiến sĩ Tô A Nhi cũng tin rằng khi thực hành tốt lòng biết ơn, các em nhỏ sẽ nhìn thấy nhiều điều đáng trân trọng. Việc biết ơn những thứ dù dung dị, nhỏ bé trong cuộc sống, giúp trẻ hình thành lòng yêu thương và hành động chia sẻ. Nếu cả cộng đồng thực hành phương pháp này, bạo lực học đường sẽ bị đẩy lùi.
Các bạn nhỏ hào hứng chia sẻ với tiến sĩ Tô Nhi A tại sự kiện. |
Một câu chuyện không chỉ làm người ta khóc
Cũng dưới những tán cây to của công viên Bến Tre, hơn 2.000 học sinh và hơn 300 thầy cô giáo tổng phụ trách đội bật khóc khi nghe câu chuyện của thầy Vũ Thái Sơn - giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Trưng Vương, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk - trong clip “Những anh hùng thầm lặng và đóa hoa tháng 11”.
Người thầy giáo đáng kính của hàng trăm học sinh cũng là người bố đơn thân của 4 con nhỏ, đứa lớn nhất mới học lớp 9, em bé nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi. Vợ thầy Sơn mất khi con út mới 9 ngày tuổi. Một mình thầy vừa gồng gánh vai trò người cha, vừa đảm trách mang con chữ đến với học trò. Không học sinh nào biết được sau những giờ lên lớp, thầy cũng như bao người bố đơn thân - tất tả mưu sinh, sớm khuya với cuộc sống gà trống nuôi con.
Thầy Vũ Thái Sơn - giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Trưng Vương, tỉnh Đắk Lắk. |
Trong từng thước phim “Những anh hùng thầm lặng và đóa hoa tháng 11”, thầy Sơn và đồng nghiệp luôn giữ nụ cười trên môi. Dù vậy, phía sau hạnh phúc lại chất chứa biết bao nhọc nhằn. Các thầy cô vẫn âm thầm mang sự tận tụy đến bục giảng, nỗ lực đưa yêu thương đến học sinh. Đây cũng là cách thầy Sơn và nhiều nhà giáo gieo mầm yêu thương cho thế hệ tương lai.
Ấy vậy mà trong những cuộc chuyện trò cùng đồng nghiệp, thầy Vũ Thái Sơn chưa từng kể về nỗi vất vả nếm trải.
“Chuyện của tôi không có gì để nói, cũng không phải là chuyện để khóc. Nếu được nói, tôi muốn kể về tình yêu thương nhận được từ đồng nghiệp, học sinh. Đó là sức mạnh, cũng là vẻ đẹp mà tôi muốn học sinh hiểu được”, thầy tâm sự.
GS Hà Vĩnh Thọ chia về cách xóa bỏ bạo lực học đường. |
Tại hội thảo Thay đổi “Vì một trường học hạnh phúc” do Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) tổ chức tại Đà Nẵng dịp cuối tháng 9, trước băn khoăn của 400 hiệu trưởng tham dự về cách xóa bỏ bạo lực học đường, GS Hà Vĩnh Thọ chia sẻ: “Hãy rót đầy yêu thương vào tâm hồn con trẻ, bạo lực sẽ dần được xóa bỏ. Nhưng trước đó, thầy cô phải tự rót đầy yêu thương cho chính mình. Học sinh sẽ cảm nhận được mầm yêu thương, từ đó vun đắp thành cây, cây rồi sẽ thành rừng”.
Đúng với chia sẻ của vị giáo sư, từ rất lâu, thầy Vũ Thái Sơn và bao đồng nghiệp đã gieo mầm cây yêu thương vào lòng hàng trăm học sinh, từ đó tạo nên những tán lá rợp bóng ở ngôi trường nhỏ.
Ngoài hoạt động viết lời cảm ơn, “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm” tổ chức hoạt động đi bộ gây quỹ bảo vệ môi trường cho học sinh tại tỉnh Bến Tre. Đây là những hoạt động nổi bật trong chủ đề “Cùng Kun làm việc tốt mỗi ngày”, do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp thương hiệu Kun - Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) tổ chức. Hoạt động đi bộ tiếp tục được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó tạo cơ hội để học sinh giao lưu, chia sẻ những câu chuyện về lòng yêu thương, sẻ chia với gia đình, thầy cô giáo và mọi người, đặc biệt xây dựng ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Với mong muốn trẻ em được giáo dục toàn diện, hoạt động “Cùng Kun làm việc tốt mỗi ngày” đang triển khai đồng bộ các nội dung: Cùng Kun học tốt mỗi ngày, Cùng Kun đọc sách mỗi ngày, Cùng Kun vận động mỗi ngày, Cùng Kun chia sẻ yêu thương, Cùng Kun bảo vệ môi trường, Cùng Kun rèn luyện mỗi ngày.