Thời gian gần đây, chị Hồng Nhung - vợ nghệ sĩ Xuân Bắc - đã gây tranh cãi khi đăng tải bài viết trên mạng xã hội về việc con trai 13 tuổi bị dụ dỗ tham gia các nhóm 18+.
Chị cũng cảnh báo bậc phụ huynh kiểm tra điện thoại của con nhằm tránh xảy ra tình trạng trên.
Tuy nhiên, ở độ tuổi dậy thì, việc trẻ tò mò và tiếp xúc nội dung người lớn trên mạng không phải hiếm. Hành động này càng dễ xảy ra khi chương trình giáo dục giới tính ở Việt Nam còn hạn chế, không cung cấp những hiểu biết cần thiết về cơ thể và tình dục.
Không riêng Việt Nam, giáo dục giới tính ở nhiều nước châu Á cũng gặp trở ngại do sự kém cởi mở và những định kiến.
Theo báo cáo năm 2019 của UNESCO về giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (GDGT&TDTD) ở 30 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chưa đến 1/3 số thanh thiếu niên được khảo sát cảm thấy hài lòng về chương trình giáo dục giới tính - tình dục họ nhận được.
Với giới trẻ, Internet, truyền thông đại chúng và bạn bè là những nguồn tin quan trọng hơn nhà trường về vấn đề này. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hiểu biết hoặc nhận thức sai lệch về tình dục ở người trẻ.
Sự kém cởi mở trong giáo dục giới tính ở trường học khiến trẻ vị thành niên tìm đến Internet hoặc bạn bè để tìm hiểu thông tin. Ảnh: Sex Education/Netflix. |
Tập trung phòng ngừa hơn phổ cập kiến thức
Năm 2018, một nam sinh 16 tuổi đăng tải trên nền tảng tìm kiếm Naver của Hàn Quốc câu hỏi về phương pháp tránh thai, kèm theo chia sẻ rằng cậu đã dùng túi nylon thay cho bao cao su khi quan hệ tình dục với bạn gái. Ngạc nhiên thay, nhiều người có cùng thắc mắc trên với cậu học sinh.
Điều này cho thấy sự thiếu hụt kiến thức về tình dục của thanh thiếu niên Hàn Quốc, khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chương trình giáo dục giới tính tại nhà trường.
Ở xứ kim chi, học sinh từ năm cuối tiểu học đến hết trung học phổ thông được yêu cầu tham gia 15 giờ giáo dục giới tính mỗi năm. Tuy nhiên, chương trình tập trung dạy học sinh kiềm chế ham muốn tình dục hơn là cung cấp thông tin về giới tính, sự đồng thuận và biện pháp tránh thai, theo Korea Joongang Daily.
Năm 2015, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố chương trình giáo dục giới tính bắt buộc trên toàn quốc, được biên soạn trong 2 năm với ngân sách lên đến 540.000 USD. Tuy nhiên, tài liệu cho chương trình này chứa nhiều nội dung lỗi thời, mang đầy định kiến giới, gây bức xúc cho dư luận.
Theo tài liệu này, nam giới có ham muốn tình dục mạnh mẽ và bốc đồng, do đó, phụ nữ cần biết cách ứng phó hợp lý trước tình huống tấn công tình dục. Tài liệu còn khuyên những nạn nhân của bạo lực tình dục “kiểm soát sự tiêu cực và suy nghĩ tích cực”.
Dù sai lệch kiến thức và bị phản đối, bộ sách trên vẫn được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức suốt nhiều năm, theo ông Jeong Yun-ji, tổng thư ký của Birth Youth Sexuality Center, tổ chức tư vấn và giáo dục giới tính.
“Có một luật ngầm là giáo viên không nên đề cập đến những vấn đề không có trong tài liệu, chẳng hạn như bản dạng giới hay xu hướng tính dục. Chương trình đã làm tụt lùi vấn đề giáo dục giới tính trong trường học”, ông Jeong cho biết.
Ở một số nước, chương trình giáo dục giới tính còn sai lệch, nhiều định kiến. Ảnh: ABC News. |
Tại Nam Á, vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục bị coi là phạm trù cấm kỵ, ít khi được nói tới. Giáo dục giới tính bị nhìn nhận tiêu cực bởi cả phụ huynh và người làm chính sách, theo The Gazelle.
Ở một số ít trường học có chương trình giáo dục giới tính, những kiến thức được giảng dạy cũng sai lệch, thiếu toàn diện. Chương trình mô tả việc quan hệ tình dục như một hành động thô tục mà phụ nữ chỉ được thực hiện sau khi kết hôn với mục đích sinh sản.
Tuy một số chương trình học trên cả nước đề cập đến kế hoạch hóa gia đình hay các biện pháp tránh thai, học sinh vẫn phải hiểu ngầm rằng việc đó chỉ dành cho những cặp vợ chồng đã kết hôn. Việc quan hệ trước hôn nhân bị coi là suy đồi, trong đó phụ nữ gặp chỉ trích nếu không còn trinh tiết.
Né tránh, sợ "nhạy cảm"
Theo Nippon, chương trình giáo dục giới tính ở Nhật Bản bị hạn chế do sự né tránh những vấn đề về cơ thể, tình dục.
Trong thập kỷ 90, xứ hoa anh đào từng dẫn đầu các nước châu Á về giáo dục giới tính. Học sinh cấp 2 được dạy về hành vi, ham muốn tình dục, cũng như về biện pháp tránh thai và phòng tránh bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
Tuy nhiên, năm 2003, chương trình giáo dục giới tính tại trường Nanao - ngôi trường dành cho trẻ cần hỗ trợ đặc biệt - đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên hội đồng đô thị Tokyo. Những người này kiện nhà trường vi cho rằng nội dung chương trình "không phù hợp" với hướng dẫn của chính phủ.
Vụ kiện kéo dài 10 năm với thắng lợi cuối cùng thuộc về trường Nanao. Tuy nhiên, điều này làm đình trệ chương trình giáo dục giới tính tại khắp các trường học ở Tokyo.
Hiện nay, giáo dục giới tính ở xứ mặt trời mọc được lồng ghép trong các lớp học đạo đức. Tuy nhiên, những nội dung trong sách giáo khoa mang đậm khuôn mẫu giới, gắn phụ nữ với việc nội trợ, chăm sóc con cái.
Chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường có thể bị phản đối vì phụ huynh, công chúng sợ "nhạy cảm". Ảnh: China Daily. |
Nhận thức được sự thiếu hụt trong phổ cập kiến thức giới tính, năm 2021, Trung Quốc đã bắt đầu đưa vấn đề này vào chương trình bắt buộc cho trẻ ở mọi cấp học. Quyết định này hướng đến nâng cao “nhận thức và khả năng tự bảo vệ mình trước lạm dụng và quấy rối tình dục” của học sinh.
Các nhà nghiên cứu và chuyên gia ủng hộ áp dụng Giáo dục Tình dục Toàn diện (Comprehensive Sex Education - CSE) ở Trung Quốc. Liu Wenli, giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã dành 10 năm để phát triển sách giáo khoa CSE dựa trên hướng dẫn của UNESCO.
CSE không chỉ dạy học sinh về tình dục mà còn về các mối quan hệ, giới tính, tuổi dậy thì, sự đồng thuận và sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ chưa sẵn sàng cho mô hình này. 5 năm trước, một cuốn sách giáo khoa do nhóm của giáo sư Liu biên tập đã bị ngừng lưu hành sau khi gặp phải chỉ trích từ phụ huynh rằng hình ảnh minh họa cơ thể khỏa thân trong đó là không phù hợp.
"Đưa giáo dục giới tính vào luật là một sự phát triển thú vị, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong cả hành trình dài", Liu nói trong cuộc phỏng vấn với China Business Herald.
Học sinh không tin tưởng nhà trường
Theo Hướng dẫn quốc tế về Giáo dục giới tính và tình dục (ITGSE), việc GDGT&TDTD cần đảm bảo 8 khái niệm sau: Các mối quan hệ; Giá trị, quyền, văn hóa và tính dục; Nhận thức về giới; Bạo lực và cách giữ an toàn; Kỹ năng đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc; Cơ thể con người và sự phát triển của cơ thể con người; Tính dục và hành vi tình dục; Sức khỏe tình dục và sinh sản.
Qua đó, ITGSE hướng đến việc thúc đẩy sức khỏe thể chất - tinh thần, sự tôn trọng quyền con người và bình đẳng giới, cũng như giúp người trẻ có cuộc sống lành mạnh, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UNESCO năm 2019 tại 30 nước châu Á - Thái Bình Dương, chưa quốc gia nào có chương trình giáo dục giới tính đảm bảo đủ những yếu tố trên.
Chương trình giáo dục giới tính tại các nước châu Á chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng. Ảnh: The Guardian. |
Hơn một nửa số quốc gia được khảo sát đã đưa giáo dục giới tính và tình dục vào chương trình bắt buộc. Tuy nhiên, môn học này thường được lồng ghép cùng các lớp khác, trở thành yếu tố phụ.
Tại Nhật Bản, trong khảo sát của Nippon Foundation với 800 học sinh độ tuổi 17-19, có 40% người tham gia cho rằng giáo dục giới tính tại trường học là "vô dụng".
Nhiều bạn trẻ nhận xét rằng giáo viên còn mập mờ trong việc diễn đạt những khái niệm liên quan đến tình dục.
Một bạn nữ cho rằng trường học cần giải thích kỹ hơn về biện pháp tránh thai, trong khi một bạn nam muốn chương trình nhấn mạnh sự nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
Tại các nước Nam Á, việc tách biệt lớp học về giới tính giữa nam và nữ dẫn đến sự thiếu hụt về nhận thức cũng như khoảng cách giữa 2 giới.
Theo The Gazelle, học sinh nữ thường được cảnh báo không tiếp xúc nhiều với nam giới để tránh có thai, gây cách hiểu sai lệch. Còn các học sinh nam, khi không có hiểu biết về kinh nguyệt ở phụ nữ, thường coi đó là chủ đề cấm kỵ hoặc hiện tượng đáng ghê tởm.
Cách tiếp cận này cũng hạn chế hiểu biết về xu hướng tính dục và bản dạng giới, phủ nhận sự hiện diện của những giới tính bên ngoài nam và nữ. Tình dục trong cộng đồng LGBT thậm chí bị coi là không tự nhiên. Điều này khiến xã hội khó có cái nhìn cởi mở, thấu cảm đối với cộng đồng LGBTQ+.
Giáo dục giới tính toàn diện là điều cần thiết để thanh thiếu niên loại bỏ những lầm tưởng và chống lại kỳ vọng đạo đức vô căn cứ mà xã hội đặt ra, đồng thời học cách tôn trọng cơ thể và quyền tự quyết của nhau.