Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề án đào tạo tiến sĩ không đạt, kiến nghị thu hồi 50 tỷ từ Bộ GD&ĐT

Kết quả đào tạo tiến sĩ không đạt, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính với Bộ GD&ĐT, thu hồi nộp ngân sách hơn 50 tỷ đồng.

Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 (Đề án 911) có tổng kinh phí 14.000 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo 23.000 tiến sĩ. Kết quả Kiểm toán Nhà nước cho thấy hàng loạt mục tiêu của đề án không đạt được.

Giai đoạn 2012-2016, chỉ tiêu đào tạo là 12.800 nghiên cứu sinh nhưng tính đến hết năm 2016, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển và nhập học là 4.024, đạt 31,4%. Trong đó, 787 nghiên cứu sinh tốt nghiệp và được cấp bằng, đạt 6% chỉ tiêu (tính đến năm 2016).

dao tao tien si anh 1
Hàng loạt mục tiêu của Đề án 911 không đạt được. Ảnh minh họa.

Về đào tạo tiến sĩ trong nước, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển đến hết năm 2016 là 2.062, đạt 36%. Đó là chưa kể số nghiên cứu sinh trúng tuyển không học, bỏ học hoặc chuyển sang nghiên cứu theo hình thức đại trà từ năm 2012-2016 là 143, chiếm 6,9% số người trúng tuyển.

Về đào tạo ngoài nước, đến hết năm 2016, chỉ tiêu là 5.800 nghiên cứu sinh, kết quả thực hiện đạt tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, trong số 2.926 người trúng tuyển, 1.981 người đi học, đạt 67%.

Điều đáng nói số tuyển sinh đào tạo ở nước ngoài nêu trên không phải hoàn toàn do Đề án 911 thực hiện, mà có 655 người thuộc danh sách do Đề án 356 chuyển sang. Vì vậy, kết quả thực chất chỉ có 1.306 nghiên cứu sinh, bằng 23% chỉ tiêu năm 2016 và bằng 13% tổng chỉ tiêu 10.000 nghiên cứu sinh của đề án.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một trong những nguyên nhân khiến không đạt được mục tiêu là xây dựng đề án quá cao, thiếu cơ sở khảo sát đánh giá và không sát thực tế, dự kiến nguồn tuyển không đúng.

Cùng với đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT được đánh giá thiếu quyết liệt và thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ triển khai nhiệm vụ với các vụ chức năng, cơ sở đào tạo…

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GD&ĐT, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 50,78 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là học phí của nghiên cứu sinh tại Cục Hợp tác Quốc tế đã hết nhiệm vụ chi đến 30/7/2017 là 50,15 tỷ đồng. Các khoản chi sai chế độ, không đúng quy định hơn 424 triệu đồng; thu hồi kinh phí chi cho nghiên cứu sinh bỏ học hơn 207 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT phải hủy dự toán nguồn kinh phí đề án hơn 2,8 tỷ đồng và giảm kinh phí quyết toán năm 2016 hơn 48 triệu đồng. Các bộ, ngành kiểm tra đối chiếu tổng số xử lý tài chính là hơn 6,3 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ GD&ĐT chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách, tài sản của nhà nước. Khẩn trương trình chính phủ đề án thay thế Đề án 911 theo hướng gộp Đề án 911 và Đề án “Nâng cao năng lực giảng viên và cán bộ quản lý các trường”.

Đề án đào tạo tiến sĩ 911: Chơi vơi 14.000 tỷ đồng

Kết quả Kiểm toán Nhà nước về đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 và 2012-2016 (Đề án 911) cho thấy các mục tiêu không đạt.

Đề án ngoại ngữ quốc gia đào tạo tiếng Anh 'chết'

Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 vẫn tập trung đào tạo tiếng Anh "chết", không có kỹ năng thực hành. Học sinh chỉ thi viết về từ vựng, ngữ pháp và đọc hiểu.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm