Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề án thi riêng dễ phá sản?

ĐH Quốc gia Hà Nội bất ngờ hủy kỳ thi đánh giá năng lực đã thực hiện 2 năm qua. Điều này đang khiến các trường dự kiến tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2017 phải cân nhắc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng là cả nước dùng chung một phần mềm xét tuyển ĐH hay để các trường tự chủ xét tuyển theo phần mềm của mình. Điều này đã khiến các trường ĐH rơi vào tình trạng khó xử khi phương án tuyển sinh riêng của mình có nguy cơ phá sản.

Khó thành hiện thực

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa bất ngờ tuyên bố sẽ không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh mà dùng kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT để xét tuyển trong năm 2017.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay những đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD&ĐT đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi đánh giá năng lực chung mà ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai thời gian vừa qua.

Vì thế, việc tập trung thêm nguồn lực (lượng câu hỏi), nhân lực và các điều kiện khác để triển khai tốt kỳ thi THPT quốc gia của bộ là một việc cần thiết, quan trọng và mang tính quốc gia; tránh cho thí sinh không phải thi 2 kỳ thi có nhiều điểm giống nhau.

De an thi rieng anh 1
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, cho biết năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT tổ chức như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. ĐH Quốc gia Hà Nội đã thông báo không tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực mà dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

ĐH Luật đang tìm hiểu xem liệu có hay không lệnh cấm các trường tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực. Nếu có lệnh cấm thì trường phải thực hiện; nếu không, trường vẫn tổ chức kỳ kiểm tra năng lực.

So với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ kiểm tra của ĐH Luật khác hẳn. Trường đang chuẩn bị cho mọi phương án để không bị động.

ĐH Quốc gia TP.HCM từng có phương án tổ chức thêm kỳ kiểm tra năng lực để tuyển sinh năm 2017, đồng thời vẫn xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên, năng khiếu.

Tuy nhiên, ngày 15/12, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết ĐH này đang cân nhắc, đồng thời xin ý kiến cấp trên về việc tổ chức kiểm tra năng lực.

Nếu chủ trương cho phép các trường được chủ động thì ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức kỳ kiểm tra năng lực bổ sung như của ĐH Luật. Theo PGS Nguyễn Hội Nghĩa, một trường ĐH lớn, có chất lượng và có chiến lược thì nên tổ chức kiểm tra năng lực để tuyển sinh.

Cân nhắc xét tuyển theo nhóm

Nhiều trường ĐH khác cũng đứng trước những quyết định khó khăn trong xét tuyển. Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay trường và nhóm GX vẫn đang chờ quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT để đưa ra quyết định cuối cùng.

“Chủ trương của Bộ GD&ĐT là muốn xét tuyển chung một phần mềm như nhóm GX nhưng quy mô toàn quốc. Theo đánh giá của chúng tôi, đây là phương án tốt, chúng tôi ủng hộ vì giải quyết được lượng thí sinh “ảo”, chi phí tổ chức và các trường thì rất nhàn. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Khả năng về kỹ thuật có thể cho phép xử lý bài toán lớn với 400.000 - 500.000 thí sinh, mỗi thí sinh tối đa 5 - 6 nguyện vọng thì sẽ có khoảng 3 triệu nguyện vọng. Hiện nay, các công cụ tính toán, phần mềm có thể làm được điều này”, ông Tớp nhìn nhận.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng bày tỏ sự băn khoăn bởi thực tế, hệ thống tuyển sinh luôn có những điều chỉnh.

“Trong quá trình xét tuyển, các trường có thể phải điều chỉnh chỉ tiêu từng ngành trong khuôn khổ quyền tự chủ của mình. Có những ngành cần nhưng không có thí sinh, có những ngành lại rất nhiều thí sinh, các trường phải điều chỉnh cho phù hợp”, ông Tớp phân tích.

Theo ông, nếu việc tuyển sinh không có điều chỉnh gì thì chủ trương vào một nhóm sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, khi có nhiều trường, mỗi trường lại có nhiều ngành, chỉ tiêu lại không cố định thì sẽ phức tạp.

“Chúng tôi biết Bộ GD&ĐT đang cân nhắc nên dùng chung một phần mềm tuyển sinh cho cả nước hay có nhiều nhóm nhỏ. Nếu bộ xét chung một nhóm thì nhóm GX sẽ vào đó. Còn nếu có nhiều nhóm, chúng tôi sẽ xét theo nhóm của mình”, ông Tớp cho biết.

Khó tin cậy khi giao về địa phương

Hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho rằng việc ĐH Quốc gia Hà Nội không tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2017 là thông tin cần lưu ý.

Theo vị này, dù kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức cũng giống như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng giao về cho các địa phương tổ chức thì mức độ tin cậy sẽ khác.

Bộ Giáo dục tính bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học

Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi và bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng.


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/de-an-thi-rieng-de-pha-san-20161215221758487.htm

Theo Yến Anh - Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm