Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tổ chức khai giảng vào Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9.
Nhưng từ rất lâu rồi, khai giảng không phải ngày đầu tiên của năm học mới, mà chỉ là hình thức. Trước đó, học sinh đã đi học thêm từ tháng 8, có trường vào tháng 7.
Khai giảng là sự khởi đầu cho năm học mới, hứa hẹn nhiều cố gắng của học sinh trong trường. Đó là sự bỡ ngỡ, hồi hộp và cả những hoạt động mang tính khám phá, thích nghi của học sinh mới chuyển cấp.
Ngày khai trường sẽ thực sự ý nghĩa như thế nếu được thực hiện vì học sinh, và cả giáo viên nữa, chứ không phải hình thức, rườm rà, tốm kém. Phần nghi thức dài lê thê: Ra mắt học sinh mới, phát biểu của hiệu trưởng, lãnh đạo, khách mời... chiếm đến 2/3 thời gian buổi lễ.
Các thầy cô muốn trường mình nổi bật nên tập trung học sinh trước ngày khai giảng 1, 2 tuần để tập đi đứng thẳng hàng, vẫy tay, hoan hô, chào mừng khách mời… Có trường còn tổ chức khai giảng thử vài lần. Tất nhiên, với cách làm trên, học sinh (và cả giáo viên nữa) rất mệt mỏi.
Vậy lễ khai giảng nên tổ chức thế nào?
Theo tôi, ngày hội của học sinh này không nhất thiết phải tổ chức theo mẫu, mà căn cứ tình hình cụ thể của từng trường, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và số lượng học sinh để tổ chức gọn nhẹ, đơn giản mà vẫn ý nghĩa với các em.
Các trường nên giành thời gian nhiều hơn cho thầy cô đón chào học sinh mới. Sau khi chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn, chào mừng các em tới trường.
Sau đó, thời gian dành cho phần hội của học sinh, để các em cảm nhận thực sự mỗi ngày đi học là một ngày vui.