Zing trích dịch bài đăng New York Times và New York Post, đề cập đến xu hướng sử dụng công nghệ định vị để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh tại các trường đại học ở Mỹ.
Trước thềm năm học mới, các cơ sở giáo dục trên thế giới nói chung và Mỹ nói riêng đều nỗ lực hết sức để kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, không ít nơi khiến học sinh cảm thấy lo ngại khi bị xâm phạm quyền riêng tư.
Mới đây, ĐH nghệ thuật tư nhân Albion ở bang Michigan khiến hơn 1.500 sinh viên sửng sốt khi yêu cầu các em phải dùng ứng dụng định vị có tên Aura. Nhà trường mới chỉ thông báo điều này sau khi sinh viên đã hoàn tất học phí năm học mới.
Khuôn viên ĐH Albion ở bang Michigan (Mỹ). |
Ứng dụng này theo dõi địa điểm mọi lúc và được đồng bộ hóa kết quả xét nghiệm Covid-19 của người dùng. Nếu một sinh viên dương tính với virus corona, phần mềm sẽ thông báo cho những ai từng tiếp xúc gần. Các triệu chứng phát triển bệnh của người dùng cũng được cập nhật hàng ngày.
“Chúng tôi tin rằng đây là phương hướng triển khai tốt nhất. Tuy nhiên, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và tuân theo các hướng dẫn y tế, đồng thời thay đổi cách tiếp cận khác nếu cần thiết”, hiệu trưởng Matthew Johnson chia sẻ.
Hiện nay, làn sóng công nghệ định vị đang được phát triển nhằm chống lại khả năng lây lan của Covid-19. Tại Mỹ, không chỉ có ĐH Albion, ĐH Temple ở bang Pennsylvania cũng sử dụng ứng dụng Aura, trong khi ĐH Alabama dùng phần mềm Covid Watch, theo New York Times.
Một chương trình tương tự do Viện Công nghệ MIT phát triển có tên là PathCheck đang được thí điểm ở ĐH Texas Christian, ĐH Southern Methodist và ĐH Vassar.
Tháng 5 vừa qua, Apple và Google bất ngờ cùng nhau hợp tác để hoàn thiện hệ thống tự động cảnh báo, hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19.
Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Discovery Labs Brian O’Neill. |
Tính năng này sử dụng tín hiệu Bluetooth năng lượng thấp, cho phép các điện thoại nhận biết và trao đổi khóa bí mật khi người dùng ở gần nhau. Hệ thống này sẽ chỉ được áp dụng vào mùa dịch, và khi dịch kết thúc sẽ ngay lập tức bị đóng cửa.
“Tất cả những gì chúng tôi làm là giữ an toàn cho bạn và cả cộng đồng”, Brian O’Neill, Giám đốc điều hành công ty công nghệ đứng sau ứng dụng Aura, cho biết.
Kể từ khi bùng dịch vào hồi tháng 3, nước Mỹ ghi nhận hơn 6,13 triệu ca dương tính Covid-19 với gần 200.000 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng cao, đỉnh điểm là cuối tháng 7 vừa qua.
Mặc dù vậy, không ít trường học ở Mỹ mở cửa từ đầu tháng 8, bất chấp sự phản đối của giáo viên và học sinh. Các cơ sở giáo dục thực hiện biện pháp phòng chống dịch như dựng vách ngăn bàn học, lắp đặt khu vực rửa tay và đo thân nhiệt.
Một số bang ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến chỉ sau vài ngày mở cửa trường. Nguyên nhân là nhiều học sinh, giáo viên không đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách khi đi học trở lại. Chỉ trong hai tuần đầu mở cửa trường học, gần 100.000 học sinh, sinh viên tại Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19.
Sợ ảnh hưởng quyền riêng tư cá nhân
Mặc dù ứng dụng ban đầu đã đem lại hiệu quả khá cao, nhiều bạn trẻ kiên quyết phản đối quyết định của nhà trường.
“Cài đặt ứng dụng định vị là yêu cầu bắt buộc. Chúng tôi không có quyền lựa chọn”, Grayson Spaw (21 tuổi), một sinh viên năm cuối ở ĐH Albion, chia sẻ với New York Post.
Một nữ sinh năm nhất cho biết cô bắt buộc phải từ chối cơ hội làm việc bên ngoài trường chỉ vì “công ty này không nhằm trong danh sách địa điểm đối tác an toàn" của ĐH Albion. Ngoài ra, người nào muốn rời ký túc xá thì phải viết đơn.
“Vì sao nhà trường có quyền cấm chúng tôi đi làm thêm trong khi họ không miễn học phí cho sinh viên?”, cô nói.
Mặc dù phía ĐH Albino khẳng định không giam giữ sinh viên, các bạn trẻ vẫn cảm thấy không được thoải mái mỗi khi ra ngoài khu vực ký túc xá. Trường vẫn cho phép họ mua sắm nhu yếu phẩm tại hai cửa hàng tạp hóa ở thị trấn gần đó nhưng không được rời khỏi ôtô.
Nhiều sinh viên cảm thấy "tù túng" khi bị theo dõi mọi lúc mọi nơi bởi ứng dụng. |
Đa số phụ huynh giận dữ và không đồng tình với phương án kiểm soát này của nhà trường. Họ lập một bản kiến nghị trên trang Change.org nhằm phản đối “quy tắc nhà tù” và nhanh chóng huy động được gần 2.000 chữ ký.
Theo ông O’Neill, phần mềm tuân thủ Đạo luật Quyền riêng tư và Quyền Giáo dục gia đình, cũng như Đạo luật Trách nhiệm Giải trình và Di chuyển của Bảo hiểm y tế (HIPAA). Cứ sau 21 ngày, dữ liệu sẽ bị xóa.
Nhưng sau vài ngày từ khi được áp dụng, một vài hacker sinh viên đã đột nhập vào cơ sở dữ liệu của ứng dụng định vị này. Họ lấy được danh sách thông tin của người dùng, bao gồm tên, địa chỉ, ngày sinh và kết quả xét nghiệm Covid-19.
Vụ đột nhập được các hacker đăng tải công khai trên Twitter nhằm cảnh bảo những sinh viên sử dụng phần mềm. Khi chuyện đến tai O’Neill, ông không hề tức giận. Trái lại, ông cho rằng đó là một cuộc tấn công sáng suốt vì đã chỉ ra lỗ hổng bảo mật của ứng dụng.
“Chúng tôi sẽ khắc phục sự cố ngay lập tức”, vị giám đốc khẳng định.