Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến nét đẹp trong văn hóa bán hàng rong ở Singapore.
Melvin Chew đã bán món vịt om Teochew truyền thống và Kway Chap tại trung tâm ẩm thực Chinatown Complex ở Singapore hơn 3 thập kỷ qua. Người đàn ông 42 tuổi này là một trong số hàng nghìn người mở quán ăn rong quanh thành phố, nơi người dân và khách du lịch thường xuyên lui tới.
“Bên trong khu ẩm thực, bạn có thể tìm thấy đủ loại món ăn hấp dẫn, từ đồ Malaysia, Ấn Độ đến Trung Quốc. Có rất nhiều món bạn khó tìm thấy được ở nhà hàng”, ông nói.
Melvin Chew là chủ tiệm Jin Ji chuyên về món vịt om Teochew và Kway Chap. Ảnh: SCMP. |
Các trung tâm hàng rong tại Singapore luôn thu hút tín đồ ẩm thực trên thế giới. Chúng không chỉ được cho là biểu tượng nổi bật ở đảo quốc này, mà còn đóng vai trò dung hòa xã hội đa sắc tộc của nơi đây.
Hiện có hơn 110 chợ hoặc trung tâm hàng rong ở Singapore. Chính quyền nước này có kế hoạch xây thêm 20 địa điểm tương tự.
Khu phố Tàu hay đường Orchard là nơi có nhiều quán ăn chuyên phục vụ những món nổi tiếng nhất thành phố, ví như laksa (bún chua cay), satay (thịt xiên nướng) và cơm gà Hải Nam trứ danh.
Theo Melvin, các món ăn ở quán hàng rong luôn “chính thống” bởi họ thường sử dụng công thức nấu gia truyền qua nhiều thế hệ. Bản thân ông cũng là người tiếp quản quán ăn rong Jin Ji từ bố mẹ. Quán rong gia đình này lần đầu xuất hiện trên đường phố Singapore vào năm 1983 và tiếp tục được Melvin phát triển.
“Văn hóa ẩm thực rất quan trọng vì nó được xây dựng bởi tổ tiên của chúng tôi, những người tiên phong mở quán hàng rong”, ông nói.
Chất keo gắn kết đời sống xã hội
Những quầy hàng rong từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân Singapore.
Hội đồng Di sản Quốc gia của đảo quốc này cho biết nguồn gốc của những quán rong có thể xuất hiện từ giữa những năm 1800, khi nhiều người mới tới đây định cư bán đồ ăn để kiếm sống.
Các trung tâm ẩm thực Singapore trước đại dịch luôn nườm nượp khách. |
Kể từ sau khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965, chính quyền bắt đầu tái định cư những người bán hàng rong trên đường phố và đưa họ vào các trung tâm ẩm thực để cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặc dù có sự thay đổi đáng kể, văn hóa ẩm thực của Singapore vẫn sôi động và nhận được sự yêu thích từ khách du lịch khắp nơi trên thế giới.
Rahayu Rahman (52 tuổi) điều hành một tiệm chuyên bán các món ăn truyền thống của Malaysia cùng người mẹ 73 tuổi là Aminah Sanwan. Bà cho biết sức hấp dẫn của những quầy hàng rong nằm ở mối liên hệ giữa chúng với con người.
Rahayu khẳng định vẫn muốn duy trì sự độc đáo của ẩm thực Malaysia. Hiện bà vẫn sử dụng các công thức và phương pháp nấu ăn truyền thống để tạo ra những món ngon cổ điển của quê hương, chẳng hạn như lotong (bánh gạo nấu với dừa và rau hầm) và mee rebus (mì trứng trong nước sốt cay đặc).
Hai mẹ con Rahayu đã bán đồ ăn tại trung tâm ẩm thực Sembawang Hills trong suốt 18 năm qua và xây dựng được mối quan hệ thân thiết với thực khách của họ. Thậm chí, những người hay ghé qua quán ăn thường gọi mẹ của Rahayu là “Mama Minah”.
“Khi các vị khách thưởng thức món ăn do chúng tôi làm, họ hay nói rằng hương vị khiến họ nhớ tới mẹ hoặc bà quá cố. Từ đó, một số người cũng đặt thêm đồ ăn để mang về nhà dùng bữa với gia đình. Nghe những câu chuyện đó, tôi rất vui”, bà chia sẻ.
Rahayu Rahman (trái) và mẹ. Ảnh: SCMP. |
Có thể nói những quầy hàng rong Singapore ngày càng thúc đẩy và củng cố mối quan hệ giữa các sắc tộc. Tháng 3/2019, đảo quốc sư tử đã đăng ký đưa loại hình văn hóa này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Trong bản đệ trình, các nhà chức trách cho biết văn hóa bán hàng rong xứng đáng được công nhận vì nó phản ánh xã hội đa sắc tộc của thành phố thông qua các hoạt động ẩm thực. Kết quả đăng ký dự kiến được công bố vào cuối năm nay.
Bảo vệ nét văn hóa đặc sắc trước Covid-19
Tuy nhiên, những chủ tiệm hàng rong đang phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tháng 4 vừa qua, chính quyền Singapore đã áp đặt lệnh cách ly toàn xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Melvin cho biết ông rất đau lòng khi chứng kiến nhiều đồng nghiệp kỳ cựu buộc phải đóng tiệm vì không có mấy khách.
“Nhiều thương hiệu mất 10, 20 hay 30 năm để xây dựng nhưng chỉ vài tháng sau đại dịch, họ phải ngừng kinh doanh và rời khỏi trung tâm ẩm thực”, ông nói.
Không ít quán ăn phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch. Ảnh: SCMP. |
Để thúc đẩy ngành bán hàng rong ở Singapore, Melvin đã mở một nhóm trên Facebook có tên là Hawkers United Dabao với hơn 270.000 thành viên tính đến nay. Thông qua nhóm, các chủ tiệm hàng rong hoặc nhà hàng đăng tin về các món ăn và phương thức giao hàng tới thực khách có nhu cầu.
Ngoài ra, vào thời điểm hầu hết trường học và văn phòng đóng cửa, nhiều người có thời gian để chia sẻ đánh giá của họ về những quầy hàng rong yêu thích trên mạng xã hội, từ đó các quán ăn có thêm không ít khách hàng mới.
“Gần đây, các thực khách thường nói rằng họ biết đến tiệm nhờ các bài đăng trên Internet và muốn thử đồ ăn của chúng tôi”, Rahayu nói.
Melvin hy vọng nhiều người dân Singapore sẽ tìm cách bảo vệ văn hóa ẩm thực hàng rong khi họ nhận ra tầm quan trọng của nó trong việc thống nhất xã hội đa sắc tộc ở đảo quốc này.
“Chỉ có 2 thứ có thể kết nối con người với nhau, đó là âm nhạc và ẩm thực. Mọi người muốn hỗ trợ các chủ quán rong vì họ yêu mến loại hình văn hóa này. Ngoài ra, dù có hay không có đại dịch, những người như tôi luôn cố gắng hết sức mình để phục vụ thực khách chu đáo”, ông chia sẻ.