Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị 2 án tử hình trong 'đại án' tham nhũng ở ALC 2

Sau nhiều ngày xét xử, sáng 11/11, đại diện Viện KSND TP.HCM đã đề nghị 2 án tử hình với 2 bị cáo cầm đầu vụ tiêu cực gây thiệt hại của Nhà nước hơn 530 tỷ đồng.

Ngày 11/11, đại diện Viện KKSND giữ quyền công tố tại phiên toà xét xử vụ án tham nhũng tại công ty Cho thuê tài chính II (ALC II, thuộc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam - Agribank) đã đưa ra nhận định về tính chất, hành vi phạm tội và đề nghị mức án cho 11 bị cáo. 

11 bị cáo đã bị Viện KSND Tối cao truy tố về 4 tội danh Tham ô tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái các quy định nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, Vũ Quốc Hảo (SN 1955, ngụ Q.7, nguyên Tổng Giám đốc ALC II, cầm đầu trong vụ án) bị đề nghị mức án tử hình cho tội Tham ô tài sản, từ 15 năm tù cho tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và từ 20 năm tù cho tội Cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Hảo đối mặt với mức án tử hình.

Đặng Văn Hai (SN 1957, ngụ Q.1, nguyên Chủ tịch HĐTV công ty TNHH và XD Quang Vinh) bị đề nghị tử hình về tội Tham ô tài sản, tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ 14 - 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 18 - 20 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Bị cáo Tôn Quang Việt (nguyên Trưởng phòng cho thuê công ty ALC 2) bị đề nghị từ 10 - 12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 8 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 6 - 20 năm tù về tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, trong thời gian đương chức từ năm 2007 đến đầu năm 2008, Hảo quen biết với ông Lê Đoàn Tám - Giám đốc công ty TNHH đóng tàu Đại Dương và ông Lê Văn Phong - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Hàm Rồng (tỉnh Đồng Nai). Hảo có hợp tác làm ăn với Phong trong việc đầu tư xây dựng dự án khu căn hộ Trường An tại thị xã Thuận An (Bình Dương) và đầu tư bất động sản tại Q.7 (TP.HCM).

Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Vì không có vốn nên Hảo nhiều lần vay của ông Tám để đầu tư, kinh doanh. Đến tháng 2/2009, số tiền mà Hảo nợ ông Phong lên tới 75 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi. Thấy không còn khả năng chi trả, Hảo nghĩ ra cách rút tiền của công ty ALC II để trả nợ.

Ngày 2/3/2009, Hảo đứng ra ký hợp đồng mua bán khống cần cẩu thủy lực trị giá 135 tỷ đồng với ông Đặng Văn Hai (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng thương mại Quang Vinh). Sau đó, Hảo giải ngân cho công ty Quang Vinh 120 tỷ đồng, và chiếm đoạt hơn 75 tỷ để trả nợ.

Trong quá trình điều hành công ty, Hảo để xảy ra tình trạng làm ăn thua lỗ dẫn tới khó khăn cho quá trình cổ phần hóa. Để giảm tỷ lệ nợ xấu và đạt chỉ tiêu lợi nhuận nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, Hảo móc nối ký các hợp đồng khống với lãnh đạo một số công ty để giải ngân gần 622 tỷ đồng. Sau đó, các doanh nghiệp lại dùng chính số tiền trên để thanh toán nợ xấu cho công ty ACL II.

Trước đó, vào tháng 3/2008, trong quá trình tất toán 3 hợp đồng thuê tài chính giữa công ty Hàm Rồng với công ty ALC II, Hảo đã nhận 4,9 tỷ đồng tiền thanh lý tài sản nhưng không nhập quỹ công ty mà chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân. 

Theo cơ quan điều tra, Hảo và các đồng phạm đã gây thiệt hại của Nhà nước hơn 530 tỷ đồng. Phiên tòa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 20/11.

Khắc Thành

Bạn có thể quan tâm