Sáng 18/9, TAND Hà Nội mở lại phiên xử vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch mua bán nhà đất liên quan vụ Con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống xảy ra ở quận Tây Hồ.
Chị T.H. (nguyên đơn, ở Hà Nội) đến dự tòa cùng 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích. Bà Viễn (bị đơn, 64 tuổi) vắng mặt.
Ngoài ra, ông Hợp và bà An (bố, mẹ chồng của bà Viễn) cùng một số người thân có mặt với tư cách người liên quan.
Đây là lần thứ 5 TAND Hà Nội mở phiên xử để giải quyết tranh chấp dân sự nên dù bị đơn không có mặt, HĐXX vẫn làm việc.
Sau hơn 3 giờ tranh tụng, chủ tọa Ngô Thị Thu Thiện nhận thấy việc bà Viễn làm thủ tục khai tử bố mẹ chồng đang sống có dấu hiệu vi phạm hình sự. "Căn cứ Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự, HĐXX chuyển hồ sơ để đề nghị cơ quan điều tra làm rõ", chủ tọa tuyên bố.
Ông Hợp (trái) và vợ (phải) tại phiên tòa sáng 18/9. Ảnh: Hoàng Lam. |
Trình bày tại tòa, chị T.H. cho biết năm 2015, chị cùng chồng mua khu đất và ngôi nhà có tổng diện tích khoảng 180 m2, nằm ven hồ Tây thuộc địa phận phường Nhật Tân.
Thời điểm đó, bà Viễn cung cấp các loại giấy tờ có chứng nhận của cơ quan chức năng như sổ đỏ khu đất đứng tên vợ chồng bà Viễn, di chúc của ông Tiến (chồng bà Viễn) thừa kế lại tài sản cho vợ và 2 con gái.
Sau khi trực tiếp đến khảo sát nhà và đất, vợ chồng chị T.H. nhận thấy các căn cứ mua nhà đều hợp pháp nên họ bỏ ra 12 tỷ đồng để mua lại mảnh đất cùng ngôi nhà 3,5 tầng. Sau đó, các bên hoàn tất thủ tục sang tên sổ đỏ.
Giữa năm 2015, vợ chồng chị T.H. đến nhận nhà thì bị ông Hợp và người thân ngăn cản vì cho rằng việc bà Viễn bán nhà, đất là trái phép khi chưa có sự đồng ý của ông. Sau đó, chị T.H. khởi kiện bà Viễn ra tòa để đòi nhà.
Còn theo trình bày của bị đơn được chủ tọa công bố, bà Viễn khai năm 1984, ông Hợp và bà An chia mảnh đất trên cho con trai là ông Tiến. Lúc đó, ông Tiến và bà Viễn đã kết hôn được 4 năm. Đến năm 2000, Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội cấp sổ đỏ cho vợ chồng bà Viễn.
Năm 2005, ông Tiến qua đời nên bà Viễn đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội để làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản. Trong thông báo ngày 4/7/2006 gửi UBND phường Nhật Tân, công chứng viên ghi: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”.
Giải thích về việc công chứng viên ghi: "Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết" dù lúc đó, ông Hợp và bà An đang sống khỏe mạnh, bà Viễn nói khi công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng, bà đã làm theo lời chồng dặn, kê khai là "ông, bà ấy chết cả rồi".
Trong biên bản ghi lời khai, bà Viễn cũng cho rằng các thủ tục mua bán nhà, đất cho vợ chồng chị T.H. là hợp pháp.
Ngôi nhà và mảnh đất xảy ra tranh chấp thường xuyên khóa cửa. Ảnh: Hoàng Lam. |
Bảo vệ quyền và lợi ích cho gia đình ông Hợp và bà An, luật sư Đặng Văn Cường trình bày trong vụ việc này, vợ chồng ông Hợp là chủ sở hữu của khu đất và ngôi nhà có tổng diện tích khoảng 180 m2 liên quan vụ tranh chấp.
Theo luật sư, ông Hợp và vợ chưa chia thừa kế hay cho, tặng tài sản này cho con trai và con dâu. Tuy nhiên, bà Viễn đã dùng thủ đoạn gian dối, làm thủ tục khai tử bố mẹ chồng để sở hữu nhà và đất. Sau đó, bà Viễn bán tài sản cho vợ chồng chị T.H để lấy 12 tỷ đồng.
Ông Cường cũng đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân và công chứng viên liên quan vụ việc. Họ không xác minh tình trạng của ông Hợp và bà An mà chỉ căn cứ lời của con dâu để xác nhận bố mẹ chồng đã chết.