Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, đề thi đã gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa: Tiền Phong. |
Cụ thể, đề thi học sinh năng khiếu cấp huyện môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2022-2023 của Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) như sau:
Câu 1 (8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: “Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”. Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên.
Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên”.
Ngay sau khi đề thi xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đề thi này quá khó, quá sức so với học sinh lớp 7, dù kể cả là đề thi học sinh năng khiếu. Không ít người nhận định đề thi này dành cho các học sinh cấp THPT còn... hơi nặng.
Tài khoản Chi Nguyen bình luận: “Câu 1 là hơi khó vì sẽ cần rất nhiều trải nghiệm cuộc đời để định vị được 2 chữ 'độ lượng'. Vì thế, bài viết của các em sẽ dễ sáo rỗng, khuôn phép. Câu 2 thực ra là một bài chứng minh. Quy về một bài thơ để chứng minh một câu nói có tính khái quát sẽ hơi... phản khoa học”.
Tài khoản Nguyễn Văn Anh chia sẻ: “Mới đọc qua cứ nghĩ đề thi đầu vào thạc sĩ hay tiến sĩ gì đó chứ không phải là đề lớp 7”.
Tranh luận không chỉ dừng ở độ khó của đề thi, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng yêu cầu của đề cũng không rõ.
“Ở câu 2, yêu cầu của đề rất tối nghĩa. 'Bằng một tác phẩm thơ' được hiểu rằng là học sinh sẽ phải làm thơ hay các em sẽ phải chọn lấy một bài thơ nào đó để phân tích, bình luận nhằm chứng minh cho nhận định trên là đúng. Tôi đoán đáp án sẽ là chọn lấy một bài thơ (của người khác) để bình luận, phân tích, diễn giải để... minh họa cho ý đã đưa ra. Tuy nhiên, sự việc sẽ thế nào nếu thí sinh làm 'một bài thơ'”, ông Vương cho rằng đề thi không rõ ý.
Trao đổi với VietNamNet, sáng 4/5, ông Bùi Ngọc Luận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), xác nhận đây đúng là đề thi do Phòng GD&ĐT xây dựng.
“Các giáo viên cốt cán môn Văn của huyện khẳng định đề không sai”, trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê cho biết.
Về mức độ khó dễ của một đề thi, ông Luận cho rằng khó đánh giá bởi tùy vào đối tượng học sinh và để chính xác hơn cần tham khảo phổ điểm.
“Đề có thể khó với học sinh này nhưng lại bình thường với học sinh khác. Môn Ngữ văn lớp 7 có 98 em dự thi học sinh năng khiếu. Trong đó, 7/98 em đạt từ 14 điểm trở lên với thang điểm 20. Điểm cao nhất là 14,5 điểm và thấp nhất là 6,5 điểm. 51/98 học sinh đạt từ 10 điểm - ngưỡng điểm trung bình - trở lên", ông Luận cho biết.
Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Luận nói thêm Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả ý kiến của dư luận, họp nghiên cứu để có phương án điều chỉnh những vấn đề còn chưa tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên