Đề thi môn Văn năm 2020. |
Thí sinh xem gợi ý bài giải môn Ngữ văn tại đây.
Kết thúc 120 phút làm bài Ngữ văn, nhiều thí sinh vui vẻ với đề thi được đánh giá nhẹ nhàng, quen thuộc.
Bảo Hân, trường THPT Thanh Đa (TP.HCM) lạc quan với bài làm của mình. Nữ sinh cho biết em ôn kỹ đoạn trích Đất Nước nên khi đọc đề rất có tinh thần và phát huy tốt.
Dự định xét tuyển đại học bằng khối D nên Thu Trà, trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) ôn tập kỹ môn Văn. Đoạn trích Đất Nước cũng là một trong những bài Trà ôn đi ôn lại nhiều lần.
"Em hài lòng với phần bài làm của mình. Đề năm nay vừa sức, không đánh đố, viết cũng dễ. Em nghĩ mình làm được khoảng 6,5-7 điểm", Trà cho biết.
Khó xét tuyển đại học
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) nhận định đề thi có cấu trúc quen thuộc, bám sát chương trình lớp 12, đúng theo chương trình tinh giản. Nội dung đề không khó hay đánh đố thí sinh.
"Tuy nhiên độ phân hóa của đề thấp, phù hợp với mức đội xét tốt nghiệp, không thuận lợi để xét đại học. Nhìn chung đề năm nay quen thuộc, không mới mẻ, đột phá", thầy Minh nhận định.
Phần đọc hiểu cho một văn bản trong "Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường" và hỏi 4 câu nhỏ.
Thầy Minh nhận định ba câu đầu mức độ nhận biết, câu 4 mức độ vận dụng. Học sinh dễ dàng làm được câu này. Câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn, trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Đây là một vấn đề có ý nghĩa, mức độ bình thường, cách hỏi quen thuộc, học sinh dễ dàng giải quyết.
Câu nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận một đoạn trong Đất Nước (Trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm).
Đoạn thơ nói về những con người nhỏ bé, bình dị, vô danh qua bao nhiêu thế hệ đã bền bỉ, lặng thầm góp sức mình bảo vệ và dựng xây đất nước.
Đoạn thơ gợi cho thí sinh liên tưởng đến những “anh hùng vô danh” trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh hiện tại, vấn đề đặt ra trong câu nghị luận văn học trở nên giàu ý nghĩa.
Ngược lại, thầy Đỗ Đức Anh, Tổ phó Tổ Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đánh giá cao đề thi Ngữ văn năm nay.
“Tôi thích đề thi năm nay hơn là đề của năm 2018, 2019. Tuy nhiên vấn đề ngữ liệu cho câu đọc hiểu và đoạn thơ cần phần tích ở câu nghị luận văn học khá dài. Có lẽ người ra đề cũng có dụng ý. Trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự ra đi của nhiều người vì dịch bệnh, đề thi yêu cầu thí sinh bàn về việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày”, thầy Đức Anh nói.
Phần câu hỏi đọc hiểu cũng được giáo viên này đánh giá cao. Đề gợi ra vấn đề tích cực và câu hỏi cũng đúng nghĩa đọc hiểu hơn, không có những câu kiểm tra kiến thức tiếng Việt.
Câu nghị luận xã hội vừa sức, đúng lứa tuổi, thí sinh không cần gồng mình viết về vấn đề đao to búa lớn như “đánh thức tiềm lực quốc gia” hay quá quen thuộc như “sức mạnh ý chí”.
“Khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhân dân giữ vai trò và sức mạnh rất lớn trong quá trình chống dịch. Theo tôi, đề văn này vừa mang tính thời sự, vừa mang ý nghĩa rất lớn để tôn vinh vai trò của nhân dân trong mọi thời đại. Học sinh có thể vận dụng thực tế để làm bài. Đoạn thơ được trích dẫn cũng dễ phân tích cho học sinh dù phân tích hay cũng rất khó” - thầy Trịnh Đình Chung, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) nhận định.
Theo thầy Chung, thí sinh dự thi khối C, D có thể đạt được mức điểm 7,75 trở lên cho đề Văn này. Thí sinh ở các khối thi còn lại, không sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển, có thể làm được từ 5,5 đến 6,5 điểm.
Đã hơn 10 năm, đề thi vẫn một cấu trúc
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ văn trường THPT Marie Curie (Hà Nội) nhẩm tính đã hơn 10 năm nay, đề thi Ngữ văn vẫn duy trì một cấu trúc và cách hỏi cũ.
“Đề thi quen thuộc, cách hỏi cũ, không đánh đố, mức độ vừa phải, vừa sức với thí sinh. Với một kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, trong một năm học quá nhiều biến động, tôi không thể đòi hỏi gì hơn, đề làm tốt nhiệm vụ xét tốt nghiệp”, cô Thái Lê nói.
Tuy nhiên nếu bàn về tính lâu dài cho một kỳ thi quốc gia, cô Thái Lê cho rằng ban soạn thảo đề nên đổi mới cấu trúc, cách tiếp cận của đề thi. Vì đề thi hiện nay đã cũ và lạc hậu. Toàn bộ câu hỏi đọc hiểu ở câu 1 không mang tính chất đọc hiểu. Nội dung câu hỏi chỉ dành cho những học sinh biết tiếng Việt chứ không phải kiểm tra trình độ của một tú tài.
Bản chất của cải cách giáo dục bắt nguồn từ đổi mới phương thức thi, đề thi. Theo cô Lê, chừng nào còn tồn tại đề thi như hiện nay thì giáo viên, học sinh sẽ duy trì một cách dạy học theo lối mòn, học gạo, học thuộc lòng.
“Cấu trúc đề thi quen thuộc chỉ thuận lợi cho người dạy. Đối tượng thi luôn luôn mới, chỉ có người dạy là cũ. Chúng ta lo lắng đổi mới cấu trúc đề thi sẽ làm thí sinh bất ngờ, bỡ ngỡ nhưng thực tế các em luôn có thể tiếp cận với điều mới. Đề thi dù mới về cách hỏi, cách tiếp cận nhưng định lượng kiến thức vẫn giữ ổn định thì không lo học sinh không làm được bài”, cô Lê ý kiến.
Buổi chiều, thí sinh làm bài thi môn Toán với hình thức trắc nghiệm trong 120 phút.
14h20, giám thị sẽ phát đề thi. Giờ làm bài được tính từ 14h30 đến 16h.
Ngay sau các buổi thi, Zing sẽ cập nhật nhanh nhất bài giải 9 môn và nhận xét, đánh giá đề thi của giáo viên.