Qua theo dõi trao đổi của Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển có thể thấy Bộ GD&ĐT đã có nhiều thay đổi về đề thi, qua đây tôi xin có mấy đề xuất.
Thí sinh làm bài thi môn Địa lý trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
1. Về câu hỏi nâng cao chiếm 40%
Có thể thấy hơn 50% thí sinh đều không chạm đến được các câu hỏi nâng cao. Phổ điểm các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 phản ánh rất rõ điều này.
Ra được và làm được câu hỏi nâng cao cho kỳ thi THPT quốc gia không hề đơn giản. Tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc nhưng không nhiều thí sinh chạm được vào những câu vận dụng, còn vận dụng cao thì số thí sinh làm được e chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mong muốn thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống hay nêu trong câu hỏi nâng cao liệu có đạt được không, khi phần lớn thí sinh ngồi nhìn những câu ấy, chờ hết giờ để nộp bài thi. Phải chăng đây là một sự lãng phí, cần thay đổi?
2. Học sinh phải cố gắng quá sức!
Dạy và học ở phổ thông, dù thầy cô có đầu tư thời gian thích hợp, giúp học sinh của mình có kiến thức và kỹ năng tốt với những môn các em tự chọn, để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH - CĐ, thế nhưng còn những môn học khác?
Môn nào cũng có yêu cầu riêng, đòi hỏi các em phải thực hiện đầy đủ. Với quỹ thời gian hiện nay ở phổ thông, thật ra người học đáp ứng được mức độ nhận biết, thông hiểu trong đề thi của kỳ thi THPT quốc gia đã là một sự cố gắng rất lớn.
Hãy đặt chúng ta vào hoàn cảnh của các em, không đơn giản chút nào. Học là một chuyện, nắm bắt và biết vận dụng: thấp - cao là một quá trình. Học ngày rồi lại học đêm, học thêm rồi lại hướng dẫn tự học... Từ thực tế đó có lẽ cần thận trọng với định hướng tăng cường câu hỏi nâng cao trong đề thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2016.
3. Chỉ để đánh bóng cho đề thi
Vì không nhiều học sinh giải quyết được các câu hỏi nâng cao, thế nên mục tiêu phân hóa trong đề thi để xét chọn được những học sinh có năng lực vào ĐH - CĐ khó đạt như mong muốn.
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho thấy chỉ cần đạt 20 - 22 điểm với tổ hợp ba môn thi là thí sinh có thể vào một trường ĐH tốp trung bình trở lên.
Dạy, học vì thế chỉ cần xoay quanh ở những câu hỏi có mức độ nhận biết, thông hiểu. Các câu hỏi vận dụng và đặc biệt vận dụng cao tựa như chỉ để đánh bóng cho đề thi, ra vì thầy hơn là vì trò.
Có cần tiếp tục như thế trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 hay không?
4. Nên tách đề thi ra làm hai phần riêng biệt
Cụ thể, phần I - chung cho tất cả thí sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Môn văn có thời gian làm bài 90 phút, các môn còn lại có thời gian làm bài từ 45 phút đến 60 phút. Phần này chủ yếu dùng hình thức trắc nghiệm khách quan. Hoàn tất phần I, giám thị thu bài - niêm phong và bàn giao cho lãnh đạo các điểm thi. Thời gian chỉ vào khoảng 30 phút.
Phần II - dành cho những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH - CĐ. Các câu hỏi nên theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài cho mỗi môn từ 45 phút đến 90 phút.
Hai phần I và II của đề thi được chấm độc lập. Điểm thi của mỗi phần theo thang điểm 10. Lấy kết quả điểm số của phần I cùng với điểm trung bình các môn học trong học bạ, điểm khuyến khích (nếu có) làm cơ sở xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Điểm số của phần II cùng với điểm ưu tiên (nếu có), có thể xem xét thêm kết quả điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT làm cơ sở xét tuyển vào ĐH - CĐ.
ĐH Quốc gia Hà Nội đã có phương thức tuyển sinh riêng, có lẽ trong một tương lai gần sẽ có thêm các trường ĐH khác áp dụng phương thức tuyển sinh tương tự. Kỳ thi THPT quốc gia đến lúc đó chỉ để thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp THPT mà thôi.
Đã đến lúc cần nghĩ đến giải pháp giao việc xét công nhận tốt nghiệp THPT về cho các cơ sở giáo dục, tuyển sinh vào ĐH - CĐ là công việc của các trường ấy. Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát.