Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng GD&ĐT, cho biết: Với định hướng đổi mới tăng cường đánh giá năng lực học sinh, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 nhưng tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện...
Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao, tạo thuận lợi cho thí sinh khi làm bài.
Việc ra đề thi như trên đã tạo tâm lý thoải mái, gây hứng thú cho thí sinh khi làm bài thi, đồng thời làm giảm rõ rệt hiện tượng luyện thi tràn lan như những năm trước đây và tác động tích cực đến việc đổi mới dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông.
Nhìn lại kỳ thi trước, bằng sự phân tích phổ điểm các môn thi cho thấy kết quả thi có sự phân hóa cao, sát với năng lực của từng đối tượng thí sinh, giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thuận lợi.
Tuy nhiên, có một số ý kiến từ các trường ĐH cho rằng đề thi cần được tăng cường câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn để các trường ĐH, CĐ thuận lợi hơn khi sử dụng làm căn cứ tuyển sinh.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 làm thủ tục trước giờ thi. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Câu hỏi nâng cao chiếm 40%
- Vậy phạm vi kiến thức có thể đưa vào đề thi năm nay như thế nào? Có nhiều ý kiến cho rằng nên tách phần nội dung thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ để thuận tiện hơn cho thí sinh trong việc dự thi và theo dõi kết quả thi của mình. ý kiến của ông như thế nào về việc này?
"Đề thi năm nay sẽ được giữ ổn định về cơ bản như năm 2015. Đồng thời, sẽ xem xét tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015 để các trường yên tâm sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh nhưng không có ảnh hưởng khác đến kết quả xét tốt nghiệp THPT so với năm 2015".
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
- Ý kiến đề nghị tách riêng các nội dung thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong đề thi THPT quốc gia đã có từ trước kỳ thi năm 2015 và đã được Bộ GD&ĐT, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực thi đánh giá và các giáo viên trao đổi, thảo luận kỹ.
Xét thấy việc tách riêng đề thi thành hai phần sẽ dẫn đến những khó khăn, phức tạp khi tổ chức thi trong phạm vi cả nước.
Trên thực tế, đề thi THPT quốc gia không tách riêng thành hai phần mà được sắp xếp từ dễ đến khó nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh khi làm bài thi và theo dõi kết quả thi của mình.
Đề thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 nên việc sử dụng chung đề thi sẽ tạo cơ hội để học sinh có thể phát huy hết năng lực của mình khi trả lời các câu hỏi trong đề thi với mục đích đỗ tốt nghiệp cũng như dự xét tuyển sinh.
Điều này đã được xác nhận từ kết quả đỗ tốt nghiệp và kết quả xét tuyển sinh năm 2015, cần được kế thừa trong kỳ thi năm 2016.
- Đề thi năm nay sẽ dành tỷ lệ như thế nào cho mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ? Số lượng các câu hỏi mang tính phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức linh hoạt, sáng tạo chiếm bao nhiêu phần trăm?
- Tương tự như năm 2015, các câu hỏi ở mức độ cơ bản trong đề thi chiếm khoảng 60%, đảm bảo các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm bài đạt mức điểm đủ để công nhận tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi ở mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, sẽ tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao trong số 40% các câu hỏi yêu cầu nâng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015 nhằm phục vụ tốt hơn cho mục đích tuyển sinh để các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh.
Ông Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tăng cường câu hỏi mở
- Hướng ra đề mở của Bộ GD&ĐT năm nay có điều chỉnh gì về mức độ không? Bộ GD&ĐT đang triển khai việc dạy học tích hợp liên môn, dạy học theo dự án vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề trong thực tế. Vậy đề thi THPT quốc gia năm nay có đưa những nội dung liên môn và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống không?
- Trong những năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông được đẩy mạnh theo định hướng hình thành phẩm chất, năng lực người học theo tinh thần của nghị quyết 29-NQ/TW.
Trong đó, các nội dung liên môn, tích hợp được các nhà trường triển khai ngày càng sâu rộng không chỉ trong giảng dạy mà cả trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Đề thi trong những năm gần đây và trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã có các yêu cầu này.
Điều này phù hợp với quá trình đổi mới và cải thiện chất lượng dạy học, việc ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời đã được thực hiện với yêu cầu tăng dần trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục được thực hiện ở kỳ thi năm 2016 phù hợp với hướng tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa tốt hơn so với năm 2015.
- Bộ GD&ĐT đã xác định đổi mới thi là khâu đột phá để đổi mới việc dạy học ở các nhà trường phổ thông. Vậy ông có thể đánh giá về tác động tích cực của việc đổi mới thi với việc dạy học ở phổ thông hiện nay không?
- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã có tác động tích cực đến giáo dục phổ thông ở một số phương diện cơ bản sau:
Góp phần bước đầu thực hiện giáo dục theo định hướng nghề nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề.
Hạn chế dạy thêm, học thêm, khắc phục tình trạng học tủ, học lệch; tạo điều kiện cho việc tổ chức thi nghiêm túc, khắc phục gần như triệt để hiện tượng sử dụng “phao thi” trong phòng thi; các hiện tượng gian lận có tổ chức trong kỳ thi không còn xảy ra như một số năm trước đây.
Tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông; tạo tiền đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
- Môn ngoại ngữ năm nay có phần tự luận bên cạnh phần trắc nghiệm như năm trước không? Phần tự luận (nếu có) về mức độ có điều chỉnh theo hướng yêu cầu cao hơn so với đề thi năm trước?
- Đề thi của năm 2016 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2015. Theo đó, đề thi môn ngoại ngữ vẫn sẽ có phần viết và phần trắc nghiệm với yêu cầu tương tự năm trước đối với mỗi phần.
Việc đưa phần thi viết vào đề thi môn ngoại ngữ nhằm từng bước hướng tới đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh trên cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Đây chỉ là những bước đi ban đầu trong lộ trình đổi mới đánh giá năng lực ngoại ngữ mà Bộ GD-ĐT tích cực chỉ đạo các nhà trường thực hiện trong những năm qua.
Trên thực tế, việc đưa phần viết vào đề thi đã ít nhiều làm công tác chấm thi ngoại ngữ phức tạp thêm. Nhưng đây là việc làm cần thiết để đạt mục tiêu đưa ngoại ngữ thành thế mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam, chủ động chuẩn bị tốt nhất cho các em bước vào cuộc sống trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế.
Vì thế, các nhà trường cần nỗ lực cố gắng chuẩn bị tâm thế và những điều kiện để tổ chức thi các môn ngoại ngữ (nhất là chấm thi) đạt yêu cầu trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.