Đề nằm trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 12 chuyên ở tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra ngày 3/11.
Đề gồm hai câu, nghị luận xã hội 8 điểm và nghị luận văn học 12 điểm. Cả hai câu hỏi đều thu hút sự chú ý của cộng đồng người yêu Văn và được đánh giá cao về mức độ yêu cầu thí sinh tư duy.
Đề thi môn Ngữ văn chọn học sinh giỏi tỉnh dành cho lớp 12 chuyên tỉnh Thừa Thiên - Huế năm học 2016-2017. Ảnh: B.K. |
Ở câu 1, người ra đề cho một bức ảnh, yêu cầu thí sinh quan sát rồi chọn và viết suy nghĩ của bản thân về bức hình và một trong hai ý kiến:
Sao phải hòa nhập khi mà bạn sinh ra để nổi bật? (Dr Seuss)
Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện của sự sống. (Trịnh Công Sơn) (Sưu tầm Internet)
Ở câu hai, đề bài trích dẫn câu nói của nữ nhà văn và đạo diễn người Pháp Marguerite Duras: “Viết là tự giết mình nhưng không phải bằng cái chết”.
Người ra đề yêu cầu thí sinh nêu quan điểm, làm rõ ý kiến này qua hai tác phẩm của Nam Cao trong chương trình Ngữ văn trung học.
Cả hai câu hỏi đều thiên về lý luận và đòi hỏi người học phải có kiến thức vững, cái nhìn sâu sắc về văn học.
Nội dung đề thi khiến nhiều người dùng mạng thích thú. Bạn Hồng Mơ đánh giá cao việc sử dụng hình ảnh và yêu cầu học sinh tư duy.
Bạn Quang Phương nhận xét câu thứ hai hay nhưng hóc búa. Về câu thứ nhất, anh sẽ lựa chọn câu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để viết vì câu trích dẫn khá nhẹ nhàng trong khi câu nói của nhà văn người Mỹ Theodor Seuss Geisel hơi “ngông”.
Bạn Phạm Lan Anh lại thiên về câu của Seuss, cho rằng nó phù hợp những thí sinh có ngòi bút và phong cách viết sắc sảo.
Trao đổi với Zing.vn, bạn Bảo Khuyên, học sinh lớp 12 trường THPT Tam Giang, cho biết đây là đề dành riêng cho học sinh trường THPT chuyên Quốc học Huế nên khó và nặng về lý luận văn học hơn đề thi dành cho học sinh trường khác.
“Đề rất thú vị nhưng thách đố học sinh quá, chỉ những bạn hiểu rõ vấn đề mới làm được”, Khuyên nói.
Là học sinh trường chuyên nhưng Uyên Thi, học sinh trường Quốc học Huế, phải thừa nhận khi mới đọc đề, em cảm thấy khá mơ hồ. Tuy nhiên, Thi cho biết thêm chỉ cần suy nghĩ cẩn thận, thí sinh hoàn toàn có thể làm tốt. Hơn nữa, trong quá trình học, các thầy cô cũng dạy khá kỹ phần kiến thức về lý luận văn học.
Nữ sinh cũng không bất ngờ về câu 1 có hình ảnh, vì vài năm trước, tỉnh Thừa Thiên - Huế từng đưa hình ảnh vào câu nghị luận xã hội trong đề thi chọn học sinh giỏi.
Song Uyên Thi cho rằng cái mới của đề năm nay là thí sinh phải chọn giữa hai nhận định, giúp các em có thể chọn câu mình thích hoặc phương án an toàn.
Nữ sinh cũng rất thích câu 2 vì ngắn, gọn, cô đọng và thực sự thú vị. “Câu 2 khá khó nhưng nếu đọc kỹ, phân tích từng vế, chúng ta vẫn có thể nhận ra nó nhắc đến phần nào trong kiến thức lý luận văn học”, Uyên Thi chia sẻ.