Đề thi môn Ngữ văn bị nhận xét là thiếu tính sáng tạo, học sinh dễ đoán đề. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sáng 27/6, thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT. Đề thi nghị luận xã hội đề cập đến ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính còn phần nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn thơ trong tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả được thể hiện trong đoạn thơ.
Sau khi đề thi được công bố, nhiều dân mạng nhận xét đề thi nghị luận văn học quá quen thuộc, dễ đoán vì những năm gần đây, nội dung câu hỏi thường đề cập chủ đề tình yêu quê hương đất nước nên thí sinh rất dễ trúng tủ.
Thậm chí, một số người cho rằng motif ra đề của Bộ GD&ĐT hơi nhàm chán, thậm chí là thiếu sáng tạo, thí sinh chỉ cần luyện đề theo hướng tình yêu quê hương đất nước là có thể đạt điểm tốt.
Đề nghị luận văn học đã quá cũ
Bàn về đề thi môn Ngữ văn năm 2024 cũng như nhận xét về những tranh luận của dân mạng, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), đánh giá tổng thể đề thi không khó, không gây bất ngờ và không có tính đột phá vì về cơ bản, cấu trúc và cách đặt câu hỏi tương tự các năm trước.
Với đề thi này, thí sinh có quá trình ôn luyện chăm chỉ và có kỹ năng làm bài thì có thể dễ dàng đạt 7 điểm trở lên. Do đề thi không khó, kết quả sẽ phù hợp để xét tốt nghiệp nhưng tính phân loại không cao nên sẽ khó để xét tuyển vào đại học
Phần nghị luận văn học rơi vào tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. |
Thầy giáo cũng có phần đồng tình với quan điểm của dân mạng là đề thi nghị luận văn học dễ đoán, hơi nhàm chán và thiếu tính sáng tạo. Trong vòng 10 năm gần đây, Đất Nước là một trong những tác phẩm có tần suất xuất hiện trong đề thi nhiều nhất, cụ thể là 4 lần.
Tuy nhiên, do sách giáo khoa chỉ có số tác phẩm nhất định, đề thi sẽ chỉ rơi vào những tác phẩm đó, chúng ta không thể đòi hỏi đề thi có sự sáng tạo hay mới mẻ vượt quá khuôn khổ.
Chung quan điểm với thầy Đức Anh, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), cũng nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2024 rất quen thuộc, không mới mẻ hay đột phá.
"Đối với kỳ thi có mục đích là xét tốt nghiệp cho tất cả học sinh lớp 12, sự quen thuộc này cũng dễ hiểu", thầy Minh nói với Tri Thức - Znews.
Thầy Minh cũng đồng tình với nhận xét của cộng đồng mạng là phần nghị luận văn học quá cũ. Việc xoay quanh chủ đề quen thuộc là tình yêu quê hương đất nước sẽ dễ gây nhàm chán, đơn điệu và dễ khoanh vùng, từ đó làm hạn chế sức sáng tạo của thí sinh.
Tuy nhiên, thầy giáo vẫn nhấn mạnh một điều rằng đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp, tức là đối tượng đại trà nên sự thận trọng, an toàn và quen thuộc ấy là dễ hiểu và có thể thông cảm được. Nếu ra mới, đột phá, học sinh trung bình có thể gặp chút khó khăn.
Nhiều điểm mới trong đề thi Văn 2024
Dù đánh giá phần nghị luận văn học có phần cũ và thiếu sáng tạo, thầy Đức Anh và thầy Nguyên Minh vẫn dành thời khen cho phần đọc hiểu và nghị luận xã hội vì có cách ra đề hấp dẫn hơn so với các năm trước.
Cụ thể, thầy Nguyên Minh chỉ ra những điểm đáng khen của đề thi Ngữ văn năm 2024 như: Văn bản dùng cho phần đọc hiểu Dòng sông và những thế hệ của nước của Nguyễn Quang Thiều là một văn bản hay; câu nghị luận xã hội ra vấn đề tôn trọng cá tính là một vấn đề một vấn đề có ý nghĩa thiết thực, đề thi đảm bảo vừa sức nhưng ở một mức độ nào đó vẫn có thể phân hóa được học sinh.
"Đề thi rất quen thuộc nhưng tôi vẫn cho đây là một đề Văn tốt, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp. Tôi đánh giá đề thi năm nay cao hơn các năm trước", thầy Minh chia sẻ.
Thí sinh tự tin rời phòng thi môn Văn vì trúng tủ bài thơ Đất Nước. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Về phía thầy Đức Anh, cá nhân thầy đánh giá ngữ liệu phần đọc hiểu có độ dài vừa vặn, diễn đạt dễ hiểu, vấn đề nội dung đặt ra trong bài viết cũng hay, có tính khơi gợi và có giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục.
Bốn câu hỏi của phần đọc hiểu tương đối dễ, học sinh dễ kiếm điểm tuyệt đối ở phần này nếu làm bài kỹ lưỡng, trong đó câu 1 và 2 thuộc kiểu chống liệt, chỉ cần chép từ văn bản là có điểm.
Còn với câu 3 và 4, thí sinh phải hiểu vấn đề thì mới trả lời được. Thầy đánh giá cao và khá thích đề đọc hiểu, các câu hỏi không bị cũ kỹ và không thiên về kiểm tra kiến thức tiếng Việt, ngữ pháp như mọi năm, nhất là câu 4 có độ mở để thí sinh có cơ hội được nói lên suy nghĩ riêng của bản thân.
"Riêng với phần nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra thú vị, vừa phải thí sinh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi mới lớn đang muốn khẳng định mình. Vấn đề cũng có tính giáo dục cao, khá gần gũi, dễ hiểu. Những thí sinh có kỹ năng viết đoạn nghị luận xã hội có thể dễ dàng xử lý tốt câu này trong thời gian ngắn vì vấn đề đặt ra không khó, dễ tìm ý", thầy Đức Anh nhận xét.
Nói thêm về đề thi môn Ngữ văn, thầy Đức Anh nói Bộ GD&ĐT đã trân trọng sự sáng tạo của thí sinh nhiều hơn, cụ thể là bộ trao cho các em cơ hội được nói lên tiếng nói của mình nhiều hơn, đặc biệt là ở phần nghị luận xã hội, khi đề thi đề cập đến chủ đề tôn trọng cá tính.
Thời gian tới, khi các học sinh 2007 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Đức Anh kỳ vọng đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều đổi mới và đột phá hơn nữa.
Thông qua đề minh họa 2025 mà Bộ GD&ĐT mới công bố, thầy giáo tin rằng kỳ thi theo chương trình mới sẽ mới mẻ và không còn bị chê là nhàm chán như năm nay. Khi đó, đề thi sẽ khiến mọi người muốn làm bài, muốn sáng tạo chứ không phải "đọc xong là chỉ muốn trả bài".
Thầy Nguyên Minh cũng nêu quan điểm tương tự. Từ năm 2025, đề thi nghị luận văn học sẽ ra vào tác phẩm ngoài sách giáo khoa, học sinh sẽ không còn chuyện học thuộc lòng, học tủ mà buộc phải có phương pháp học và biết tư duy.
"Tôi hy vọng trong những năm tới, ban ra đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đủ khả năng ra được những đề thi phù hợp với năng lực thí sinh, đồng thời đảm bảo phát huy sức sáng tạo của các em", tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, kỳ vọng.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.