Sáng 6/4, TP.HCM tổ chức buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với chuyên gia, trí thức, doanh nhân, kiều bào. Tại buổi gặp gỡ, các chuyên gia giáo dục có nhiều năm công tác tại nước ngoài đã đưa ra các đề xuất để phát triển giáo dục cho TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM tiếp xúc với kiều bào. Ảnh: Anh Tú/Lao Động. |
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, TS Nguyễn Văn Thuận, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề xuất thành phố tập trung việc đào tạo sau đại học và các trường phải tính đến chuyện trả tiền cho sinh viên.
Qua nhiều năm sinh sống ở Hàn Quốc, ông Thuận nhận thấy đất nước này chỉ tuyển sinh viên giỏi vào trường đại học "tinh hoa", còn tại TP.HCM đến mỗi mùa tuyển sinh lại lo "đi tìm" sinh viên. Do vậy, việc thu hút nhân tài tập trung đào tạo sau đại học ở Việt Nam rất quan trọng. Ngoài việc khuyến khích học bổng, các trường đại học thậm chí phải trả tiền cho sinh viên.
"Trên thế giới, đại học nhận tiền của sinh viên là những trường dở, những phòng thí nghiệm giỏi là những trường trả tiền cho sinh viên. Vì sinh viên muốn tập trung nghiên cứu khoa học, các em phải đủ tài chính để lo cho bản thân và gia đình. Tôi rất mong TP.HCM hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo sau đại học, kích cầu để các trường đại học xây dựng cơ sở vật chất”, TS Nguyễn Văn Thuận nêu ý kiến.
Ông Trần Hải Linh - kiều bào Hàn Quốc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Anh Tú/Lao Động. |
Đồng quan điểm trên, ông Trần Hải Linh - kiều bào Hàn Quốc - đưa ra các dẫn chứng trong việc đào tạo đại học tại Hàn Quốc cho thấy tầm quan trọng của việc thu hút nhân tài.
"Giai đoạn 1953-1957 có 1.115 giáo sư được đào tạo ở nước ngoài làm nguồn cho sự phát triển giáo dục đại học tại Hàn Quốc. Các năm sau đó đến nay tiếp tục có những chính sách thiết thực mời gọi giáo sư, tiến sĩ người Hàn Quốc đang ở nước ngoài quay về nước làm việc, giảng dạy và nghiên cứu", ông Linh nói.
Ông Trần Hải Linh đưa ra một số đề xuất cho giáo dục đại học tại Việt Nam. Một số trường đã và đang thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính và thực tế cho thấy rõ là kết quả nghiên cứu, giảng dạy cũng như đầu ra của sinh viên ở các trường đó đã thay đổi, chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tốt.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM - lắng nghe ý kiến của các kiều bào, trí thức yêu nước. Ảnh: Anh Nhàn/Lao Động. |
Kỹ sư Phan Ty - kiều bào trẻ từng học tập tại Anh - đưa ra ý kiến về việc chảy máu chất xám: “Các em du học học rất giỏi nhưng tại sao không muốn làm việc tại Việt Nam? Lý do được đưa ra là mức lương không thỏa đáng và một phần mong muốn của phụ huynh không muốn con trở về. Vì thế, muốn thu hút du học sinh về nước, phải làm sao tạo cho các em môi trường làm việc thoải mái và mức lương đủ sống”.