Khi tham gia giảng dạy trong tình hình số lượng ca F0, F1 ở trường học gia tăng, cô H. Thảo, giáo viên của một trường THPT ở TP.HCM đã gặp những trường hợp học sinh là F1 đến 4, 5 lần. Mỗi lần vô tình trở thành F1, các em lại nghỉ học từ 5 đến 7 ngày.
Theo nữ giáo viên, việc thường xuyên phải thay đổi hình thức học tập giữa trực tuyến và trực tiếp có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức của những học sinh là F1. Giáo viên cũng khó đánh giá trình độ của học sinh.
"Tôi nghĩ chúng ta nên xác định lại đối tượng học sinh F1. Không phải cứ gặp F0 là các em đều có thể bị nhiễm bệnh. Có em là F1 nhiều lần, đi học rồi lại nghỉ học hoài. Một số em vừa hết thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, quay trở lại trường, gặp bạn bị F0 rồi lại trở thành F1 và nghỉ học tiếp. Việc học rối ren lắm", cô Thảo cho biết.
Học sinh là F1 liên tục nghỉ học khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phương Lâm. |
Giảm "làn sóng" nghỉ học của F1
Chia sẻ với Zing, cô Thảo kể về những lần dạy học trực tuyến cho học sinh là F0, F1, các em mệt quá rồi ngủ luôn. Ngày hôm sau, học sinh hỏi những chỗ đã "bỏ lỡ" trong buổi học trước, giáo viên phải tốn thêm thời gian giảng lại bài. Việc đánh giá, kiểm tra học sinh cũng phải dựa trên hoàn cảnh của các em nên luôn chậm hơn tiến độ quy định.
Theo cô Thảo, tình trạng hơn 50% học sinh là F0, F1, lớp chuyển sang trực tuyến đã khiến giáo viên phải làm việc với cường độ và khối lượng công việc nhiều hơn. Học sinh nghỉ học vì là F1 liên tục nên khả năng tiếp thu kiến thức cũng gặp nhiều khó khăn.
Nữ giáo viên nhận định F1 không có triệu chứng có thể đi học bình thường để giảm "làn sóng" nghỉ học của học sinh. Số lượng học sinh trở lại lớp tăng cũng tạo điều kiện để các em tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn học trực tuyến ở nhà. Từ đó, giáo viên có thể giảm bớt căng thẳng và ổn định tâm lý để làm việc.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết hiện tại 9/50 lớp học của trường đã chuyển sang hình thức trực tuyến hoàn toàn. Nguyên nhân là các lớp này có trên 50% học sinh là F0, F1 hoặc phụ huynh quá lo lắng trước tình hình dịch diễn biến phức tạp nên đã yêu cầu chuyển hình thức học tập. Tình trạng này đa phần diễn ra ở khối lớp 6, các em chưa tiêm vaccine. Các lớp học khác của trường có số lượng F0, F1 dao động khoảng 10 em/lớp
Nữ hiệu trưởng nhận định việc học sinh đi học trực tiếp tăng sẽ là động lực cổ vũ cho các em nghỉ ở nhà, mau chóng hồi phục để trở lại trường. Vì vậy, nếu Bộ Y tế đã đề xuất F0, F1 không có triệu chứng trong thời gian cách ly, có thể đi làm thì học sinh là F1 đã tiêm vaccine, không có triệu chứng cũng có thể đến trường.
"Tôi ít khi giải quyết các trường hợp chuyển đổi lớp học sang hình thức trực tuyến hoàn toàn. Đa phần phụ huynh ở trường yêu cầu dạy trực tiếp. Hình thức học tập này giúp phụ huynh bớt gánh nặng đưa đón con và giảm lo lắng về việc trẻ tiếp thu kiến thức", nữ hiệu trưởng nói.
Cũng theo nữ hiệu trưởng, nếu F1 không triệu chứng đi học bình thường, nhà trường phải có biện pháp tổ chức bán trú và phòng học riêng cho đối tượng này. Cụ thể, các "lớp học F1" cần phải đảm bảo khoảng cách giữa giáo viên và học sinh để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, trường học cũng phải thực hiện công tác tư tưởng giúp giáo viên an tâm giảng dạy.
Học trực tuyến khiến trẻ khó tiếp thu kiến thức. Ảnh: T.M. |
F1 nên được đến trường
Trước thông tin Bộ Y tế đề xuất F0, F1 không có triệu chứng trong thời gian cách ly có thể đi làm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng học sinh F1 nên đi học bình thường, không cần nghỉ ở nhà theo dõi như F0. Tuy nhiên, khi đến trường, các em cần thực hiện nghiêm quy tắc 5K và được theo dõi sức khỏe cẩn thận.
"Bây giờ đa phần học sinh và giáo viên đều đã được tiêm chủng vaccine Covid-19, chỉ trừ trường hợp các em nhỏ tuổi, nên học sinh là F1 có thể đi học khi đảm bảo được quy tắc 5K và điều kiện học tập tốt để không có sự lây lan", ông Nga nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM nhận định việc học của trẻ em rất quan trọng. Học sinh là F1 đi học trực tiếp là phù hợp với tình hình thực tế. Ông cũng thông tin nhiều quốc gia cũng đã thực hiện công tác cho F1 trở lại trường thay vì nghỉ ở nhà để hạn chế ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em và việc giảng dạy của thầy, cô giáo.
Ông Dũng cũng lưu ý, F1 được đi học trực tiếp phải là đối tượng đã tiêm vaccine Covid-19, không có triệu chứng. Nếu chưa tiêm chủng, những F1 này cần xét nghiệm nhanh kháng nguyên và có kết quả âm tính.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, các trường có kinh phí nên thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho trẻ là F1 đi học trực tiếp vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Trẻ có kết quả dương tính thì trở về nhà cách ly, âm tính sẽ tiếp tục đến trường học tập và được theo dõi sức khỏe để có biện pháp xử lý kịp thời.
"Chúng ta nên mạnh dạn để trẻ em là F1 đã tiêm chủng đầy đủ tham gia học trực tiếp", ông Dũng nhấn mạnh.
Hiệu trưởng một trường ở Hà Nội cũng hoàn toàn ủng hộ việc cho học sinh thuộc diện F1 đến trường, kể cả những em có nguy cơ cao (ngồi gần, sinh hoạt gần gũi với học sinh mắc Covid-19). Dù vậy, nhà trường không thể bắt buộc vì việc để trẻ đi học là tự nguyện.
"Trường và thầy cô chỉ có thể động viên học sinh đi học. Chúng ta đều hiểu ngày trẻ được đến trường là ngày vàng. Thầy trò cùng tận dụng thời gian đó để bù đắp kiến thức cũng như những thiếu hụt khác mà môi trường ở nhà không thể mang lại", hiệu trưởng này chia sẻ.