Ngày 19/2, tại Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026”.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Lê Anh Tuấn báo cáo tại hội thảo. Ảnh: Bộ Nội Vụ. |
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho biết cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.
Chính phủ các nước đều được hợp thành từ các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là bộ) nhưng số lượng các bộ trong cơ cấu tổ chức của mỗi Chính phủ thường không giống nhau.
Tại Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIII (2011-2016) và khóa XIV (2016-2021) được giữ nguyên như cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XII, gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
TS Lê Anh Tuấn cho rằng nên điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ GD&ĐT.
Ông Tuấn đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi tên thành Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo. Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo; thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa - Thể thao và Thanh niên.
Theo Bộ GD&ĐT, tháng 11/1946, trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 1, ông Nguyễn Văn Huyên được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. Bộ Quốc gia giáo dục gồm Văn phòng Bộ và các nha: Đại học vụ, Trung học vụ, Tiểu học vụ và Nha Bình dân học vụ.
Tháng 10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tách khỏi Bộ Giáo dục, bổ nhiệm ông Tạ Quang Bửu làm bộ trưởng.
Năm 1987, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Trung ương sáp nhập Bộ Giáo dục; nhà trẻ, mẫu giáo hợp nhất thành ngành học Mầm non, nay gọi là bậc học Mầm non.
Năm 1988, Tổng cục Dạy nghề sáp nhập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
Năm 1990, Chính phủ quyết định thành lập Bộ GD&ĐT trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
Bộ GD&ĐT quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học. GS.TS Trần Hồng Quân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, được bầu giữ chức bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Đến năm 1998, bộ phận dạy nghề được tách ra, thành lập Tổng cục Dạy nghề trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Từ tháng 8/2017, tổng cục này tiếp nhận thêm 500 trường trung cấp, cao đẳng từ Bộ GD&ĐT, đổi tên thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.