Theo đề xuất này, phương thức thi vẫn là “ba chung” như hiện nay (chung đề, chung đợt, chung kết quả). Do đó, Bộ GD - ĐT sẽ chủ trì khâu ra đề, đảm bảo nằm trong chương trình, an toàn bí mật đề thi, đáp án chính xác thống nhất.
Trong kỳ thi này, các học sinh sẽ phải làm bài 8 môn gồm Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Kết quả này sẽ sử dụng để đánh giá trình độ học vấn THPT và xét tuyển sinh vào các hệ đào tạo, ngành nghề phù hợp.
Tổ chức thi cùng đợt vào thời gian thích hợp vào giữa tháng 7 hàng năm, thời gian 4 ngày thi 8 buổi (mỗi bài thi một buổi). Chấm bài trắc nghiệm khách quan bằng máy.
Từng bước chuyển từ phối hợp đề thi trắc nghiệm khách quan với đề thi tự luận, tiến đến hầu hết các bài thi bằng đề trắc nghiệm khách quan với mỗi thí sinh một đề để giảm tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi.
Sử dụng thang điểm rộng để đánh giá kết quả thi. Đề nghị xây dựng thang điểm rộng 400 điểm, mỗi môn thi 50 điểm (8 môn x 50 điểm = 400 điểm).
Điểm tốt nghiệp cho các thí sinh, sau khi đã cộng điểm theo vùng miền và diện ưu tiên chính sách, từ 200 điểm trở lên.
Các cơ sở đào tạo căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu trình độ và loại học vấn chung của cơ sở hay từng ngành đào tạo của cơ sở, phổ kết quả điểm thi của thí sinh cả nước và vùng địa phương để thiết kế tổ hợp các môn văn hóa và tổng điểm thi các môn đó cho từng ngành đào tạo của trường. Có thể lấy hệ số hai cho môn văn hóa mà ngành nghề đào tạo cho là quan trọng.
Thí sinh tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển vào các trường đào tạo ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nhưng không đỗ ĐH, CĐ muốn tham gia xét tuyển năm sau chỉ cần đăng ký tham gia thi lại các môn theo phương án xây dựng điểm chuẩn của trường mà thí sinh có nguyện vọng xin vào học.