Ngày chủ nhật (29/1), nhiều người trẻ tranh thủ dành nốt hôm nghỉ lễ cuối tuần để đến cầu tình duyên tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội). Thời tiết thủ đô ngày mùng 8 Tết Âm lịch ở mức lạnh nhưng có nắng ấm, gió nhẹ, thuận lợi cho việc du xuân lễ chùa đầu năm. |
Chùa Hà là chốn tâm linh gắn liền với câu nói “khi đi lẻ bóng, khi về có đôi” được mọi người rỉ tai nhau. Theo đó, người cô đơn sau khi đến lễ chùa sẽ tìm thấy một nửa ưng ý, còn với những đôi yêu nhau, tình cảm lại càng thêm khăng khít, lâu bền. |
Hà (sinh năm 1999, Thái Bình) nhận xét khung cảnh ở chùa Hà đông vui hơn cô nghĩ. Phần lễ một phần được sắp sẵn ở nhà, các món còn thiếu như hoa hồng được cô mua thêm ở đầu cổng chùa. Thường xuyên đi chùa, Hà đã quen thuộc với các nghi lễ cần làm, nhưng vẫn cẩn thận xem lại thứ tự sắp lễ, nội dung văn khấn trước khi vào khấn bái vì mỗi chùa một khác. "Vì nghe danh chùa Hà rất thiêng, mình mong những gì cầu ở đây sẽ thành sự thật. Khi dâng lễ, mình cầu gặp được một người con trai trưởng thành, chững chạc và có chí tiến thủ", cô nói. |
Gặp mặt lại sau kỳ nghỉ Tết, Ánh (sinh năm 2002, Hải Dương) và Hà (sinh năm 2001, Thanh Hóa) rủ nhau đi chùa. Hai cô gái cho biết họ chủ tâm cầu sức khỏe, bình an cho gia đình trước tiên, tiếp đó là đường học hành cho bản thân và cuối cùng mới là cầu cho lương duyên tốt đẹp. "Ai là con gái đều mong muốn kết đôi với một người đàn ông phù hợp, hiểu tính nhau. Mình cũng chỉ khấn vậy khi làm lễ, thay vì liệt kê các tiêu chuẩn cụ thể", Ánh cho hay. |
Lần đầu đến lễ chùa Hà, nhiều bạn trẻ còn lúng túng, chưa biết đặt lễ ở đâu cho chính xác, thắp hương theo thứ tự nào nên phải nhờ những người khác trong chùa chỉ dẫn. Thứ tự thường là khấn Ban Tam Bảo cầu bình an sức khoẻ, sau đó khấn Đức Ông cầu công danh sự nghiệp, xong xuôi bê lễ xuống Điện Mẫu, khấn cầu nhân duyên. Những ngày này, ban thờ Mẫu luôn chật kín mâm lễ. |
Giá mỗi mâm lễ cầu duyên dao động trong khoảng 120.000-400.000 đồng, tùy thuộc vào số lượng đồ lễ trên mâm; chủ yếu là hương vàng, miếng trầu, hoa quả, bánh trái. Ngoài ra, thứ không thể thiếu là bông hoa hồng đỏ thẫm - loài hoa tượng trưng cho tình yêu. |
Tờ sớ cầu duyên và văn khấn các ban cũng được chuẩn bị sẵn khi mua mâm lễ. Người khấn chỉ cần ghi tên, tuổi, địa chỉ vào chỗ trống. Đến khi thắp hương làm lễ, vì không có kinh nghiệm, đa số các bạn trẻ tuổi thường cầm sẵn văn khấn trên tay, nhìn và đọc nhẩm theo. |
Nhóm bạn 4 người của Hương và Tiến (bên phải) di chuyển từ Thái Nguyên xuống Hà Nội đi lễ. Không còn độc thân, cặp đôi cho biết họ đến chùa Hà để gửi gắm mong ước hai bên gắn bó lâu dài, hạnh phúc hơn. Cả nhóm mua hai mâm lễ tượng trưng nhằm bày tỏ lòng thành và cầu theo ý nguyện của bản thân, không đọc theo mẫu có sẵn vì cho rằng thành tâm là chính. |
Nghe danh ngôi chùa từ lâu và thấy trên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh liên quan, Lực (áo đen, sinh năm 1999) tò mò, muốn thử đến chùa Hà một lần. Anh rủ hai người đồng nghiệp khác làm cùng cơ quan đi cùng. Ngoài cầu đường tình duyên khởi sắc, anh còn cầu cho công danh, sự nghiệp thuận lợi. "Lần đầu đến lễ, cả ba có phần bỡ ngỡ, không biết đặt lễ ở đâu và hoàn toàn làm theo chỉ dẫn của người bán. Sau chùa Hà, bọn mình dự định đến một số chùa khác trong thành phố", Tùng (sinh năm 1996, bên phải), chia sẻ. |
Dâng lễ xong, cần ngồi đợi 15-20 phút cho hương tàn, rồi mang tiền vàng và sớ đi hóa. Do lượng người đến chùa ngày càng tăng, lò hóa vàng bên hồ Bán Nguyệt liên tục đỏ lửa suốt cả ngày. |
Sau khi hoàn thành việc thắp hương, khấn lễ và xong xuôi phần hóa vàng, nhiều người tranh thủ vãn cảnh chùa, chụp ảnh check-in, lưu lại khoảnh khắc đi chơi ngày xuân. |
Ngoài các nam thanh nữ tú, người lớn tuổi và nhiều gia đình cũng đem theo con nhỏ đến chùa Hà để thắp hương, cầu phước lành cho một năm mạnh khỏe, vạn sự hanh thông. |