Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa các hộ gia đình ở Hàn Quốc đang có xu hướng giảm đi, khi ngày càng có nhiều cặp vợ chồng “chênh lệch về đồng lương, mức sống” kết hôn với nhau, Hani đưa tin.
Theo báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) về tác động của hôn nhân lên thu nhập hộ gia đình, Hàn Quốc có số lượng thấp nhất các cuộc hôn nhân mà hai đối tác có mức thu nhập ngang nhau trong các nước phát triển thuộc nhóm OECD.
Khi so sánh chỉ số hôn nhân có thu nhập tương đương (được tính bằng cách chia thu nhập kiếm được của các cặp vợ chồng thành 10 nhóm), chỉ số của Hàn Quốc là 1,16. Trong đó Nhật Bản là 1,32; Mỹ là 1,5; Anh là 1,71 và Pháp là 1,19. Các nước châu Âu có chỉ số cao nhất.
Theo chuyên gia, chuyện đàn ông lương cao kết hôn với nữ giới thất nghiệp hoặc nam giới lương thấp lấy vợ là người kiếm ra nhiều tiền hơn diễn ra khá thường xuyên ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Insight KR. |
Báo cáo dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát hộ gia đình được thu thập từ năm 2005 đến năm 2019. Chỉ số càng gần 1, tần suất nam nữ kết hôn ở các mức thu nhập khác nhau để tạo thành một hộ gia đình càng nhiều.
Kết quả này đi ngược với suy nghĩ thông thường của số đông, rằng đàn ông và phụ nữ chủ yếu tìm bạn đời phải là người tương xứng gia cảnh, "môn đăng hộ đối". Ví dụ, các chuyên gia, công chức hay những người làm việc tại các tập đoàn lớn, sẽ cưới người làm trong các nhóm trí thức, “cổ cồn trắng” tương tự.
Theo nhà kinh tế học Park Yong-min thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế tại BOK, ở các quốc gia lớn khác, đàn ông có thu nhập cao ít có khả năng cưới phụ nữ có mức thu nhập kém hơn hẳn so với họ. Nhưng ở Hàn Quốc, câu chuyện này xảy ra thường xuyên hơn một cách đáng kể.
Hơn nữa, hôn nhân giữa đàn ông có thu nhập thấp và phụ nữ có thu nhập trung bình cũng được chứng kiến ở Hàn Quốc nhiều hơn với các quốc gia lớn khác.
“Những người lương cao và những người lương thấp hoặc vừa phải đang gặp nhau để hình thành các hộ gia đình có thu nhập trung bình, giúp bất bình đẳng được giảm bớt ở cấp hộ gia đình so với cấp độ cá nhân. Nói cách khác, hôn nhân ở Hàn Quốc gần giống với nơi mọi người kết hôn ‘ngẫu nhiên’ bất kể mức thu nhập", ông Park đánh giá.
Việc những người có mức thu nhập khác biệt chịu kết hôn với nhau được cho là giúp xứ kim chi giảm tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa các gia đình. Ảnh: Reuters. |
Nghiên cứu của BOK cho biết thêm kết luận nói trên và các đặc điểm khác trong cấu trúc hộ gia đình của Hàn Quốc được cho là góp phần làm giảm 10% bất bình đẳng ở thu nhập hộ gia đình.
Giả định rằng những người có mức lương tương đương gặp nhau và kết hôn, như ở các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển và Đan Mạch, sự bất bình đẳng về thu nhập hộ gia đình ở Hàn Quốc được dự báo tăng lên 15%.
Nhưng báo cáo cũng chỉ ra thêm chính sách phân phối lại tài sản, chẳng hạn như chính phủ hỗ trợ thuế, mới là chìa khóa giải quyết vấn đề chênh lệch.
“Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ở Mỹ, sự bất bình đẳng về thu nhập hộ gia đình đã được thu hẹp sau khi sự tham gia của phái nữ vào nền kinh tế tăng lên đáng kể từ những năm 1970. Ở Hàn Quốc, nếu lợi ích của phân công lao động theo giới bị giảm do tỷ lệ sinh giảm mạnh, tỷ lệ việc làm của phụ nữ có chồng thu nhập cao có thể tăng lên, làm sâu sắc thêm bất bình đẳng”, ông Park đánh giá.
Tỷ lệ những người trong top 10% giàu nhất ở Hàn Quốc kết hôn cao hơn 2,2 lần so với tỷ lệ nam giới và phụ nữ có thu nhập khác nhau kết hôn ngẫu nhiên. Tỷ lệ kết hôn giữa nam và nữ có thu nhập thuộc nhóm thấp nhất ở Hàn Quốc là 1,2; so với tỷ lệ trung bình 1,9 ở các quốc gia khác.
Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách
Bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú. Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa, theo Washington Post.