Sau khi lên đảo, tôi bắt đầu đi tìm chỗ nghỉ ngơi và sẽ từ từ dành thời gian khám phá hòn đảo xinh đẹp này. Cuối cùng cũng có chỗ để tôi nghỉ ngơi, đó là một nơi ở theo kiểu home-stay (nhà ở và sinh hoạt chung với gia đình), tôi cũng đã dự định như thế này rồi bởi vì tôi không thích ở khách sạn hay nhà nghỉ, tôi muốn mình như một người dân đảo, muốn tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây nên home-stay là phù hợp với tôi nhất.
Sau khi nghỉ ngơi hồi sức, tôi lấy tinh thần chuẩn bị khám phá hòn đảo này. 14 giờ chiều, tôi ngủ dậy và đi tắm cho thoải mái, xuống nhà thuê xe máy đi tham quan hòn đảo.
Tôi bắt đầu lái xe chậm chậm đi dọc theo hướng con đường bê-tông, con đường rộng khoảng 3m và thích thú nhìn ngắm cảnh vật xung quanh. Những ngôi nhà trên đảo nằm san sát nhau tập trung chủ yếu ở khu vực Bãi Làng, xa xa nữa là Tịnh xá Ngọc Truyền, bên cạnh Tịnh xá là một ngôi chùa cổ đã hơn 200 năm tuổi, đây là chùa Hải Tạng. Cảnh vật xung quanh với đàn bò nhởn nhơ gặm cò, những con cò đang tìm thức ăn cách tôi chỉ khoảng vài mét nhưng chúng không hề sợ, những cơn gió trong nắng chiều vàng làm tôi cảm thấy nhẹ lòng và bình yên đến lạ thường, đã lâu lắm rồi trong tôi mới có cảm xúc như vậy.Tịnh xá Ngọc Truyền. |
Cù lao Chàm xinh đẹp. |
Hình ảnh Cù lao Chàm. |
Con đường mòn dọc quanh đảo.. |
Vượt qua đoạn đường khoảng 7km đồi dốc hiểm trở khó khăn, gạch đá lởm chởm, có những đoạn dốc tôi phải xuống xe đẩy bộ vì xe leo không nổi, cuối cùng tôi cũng thấy một con đường mòn khác rẽ xuống hướng biển. Tôi thay đổi lựa chọn đi theo hướng này và những mái nhà bắt đầu xuất hiện, thật hay là tôi đã không đi lạc đường.
Tôi cần phải biết mình đang ở đâu và tôi hỏi một người phụ nữ lạ, họ trả lời rằng đây là Bãi Hương, tôi vui mừng gấp bội khi có người quen ở đây. Tôi nhanh chóng tìm đến nhà anh bạn đó và với sự hiếu khách của anh bạn cũng như của người dân Cù lao Chàm, tôi được mời nghỉ lại qua đêm tại nhà anh ở Bãi Hương này.Làng chài ven biển (Bãi Hương). |
Nói về anh bạn này, thật ra chúng tôi cũng chỉ mới biết nhau hồi sáng do đi cùng tàu ra đảo, anh tên Sỹ, khoảng 30 tuổi là một ngư dân chính gốc ở làng chài ven biển. Ngồi trò chuyện với anh trong chuyến đi lúc sáng, anh có mời tôi ghé qua Bãi Hương chơi, tôi cũng gật đầu cho có lệ chứ không nghĩ mình sẽ qua anh chơi. Mà hồi sáng lúc tạm biệt nhau tại cầu tàu Bãi Làng, tôi cũng có chủ động xin số điện thoại mà anh nói anh không mang theo điện thoại, có gì cứ qua Bãi Hương hỏi tên anh là ai cũng biết. Nghe nói vậy nên tôi nghĩ là sẽ khó có dịp gặp lại anh, vậy mà cuối cùng cũng gặp, thật tuyệt biết mấy. Tối đó, chúng tôi đã có một cuộc nhậu rất vui cùng gia đình anh Sỹ.
Sáng mai dậy sớm, tôi đi dạo quanh làng chài, quanh bến tàu Bãi Hương và cảm thấy cuộc sống người dân ở đây thật bình yên. Họ sống chủ yếu bằng nghề biển là chính, vào mùa du lịch thì họ tổ chức lặn ngắm san hô để tăng thêm thu nhập.
Một trong những tour du lịch chính tại Cù lao Chàm này chính là lặn ngắm san hô, và thưởng thức những món ăn đặc sản tại đây.
Ở Cù lao Chàm, ngoài những hải sản ra, còn có món cua đá ngon tuyệt, loài cua này sống trên núi, chúng ăn lá cây, sống trong những hốc đá và kiếm ăn vào ban đêm nên việc săn bắt chúng rất khó. Tuy nhiên, nếu được thưởng thức món này, bạn sẽ nhớ mãi. Thịt chúng rất ngon và ngọt, ăn ở phần gạch thì có vị béo béo, hơi thơm thơm, mặn mặn mà đắng đắng rất khó tả, có thể những ai không quen thì khó ăn thật.Biển ở Cù lao Chàm này có độ mặn vừa phải, theo nhận xét của tôi thấp hơn biển Vũng Tàu, vì thế bạn cứ yên tâm tắm biển và lặng ngắm san hô thoải mái nhé, không sợ bị rát mặt và ăn nắng nhiều như Vũng Tàu đâu. Tôi thì không thích tắm biển lắm bởi vì tôi sợ lạnh, sợ rát da mặt vì mỗi lần đi Vũng Tàu tắm biển là tôi đều bị như vậy. Nhưng ở Cù lao Chàm thì khác, tôi không thể cưỡng lại vẻ đẹp của nước biển trong xanh như ngọc, có thể nhìn tận đáy và những rạng san hô, trong một vẻ đẹp quyến rũ như vậy làm sao mà không nhảy ùm xuống phải không? Đã rất lâu lắm rồi tôi mới tắm biển thỏa thích như thế này, ở đây thật là tuyệt vời. Vì thời gian không thích hợp nên tôi đành hẹn lại chương trình câu mực đêm, đi săn cua đá vào tháng 6 năm sau.
Buổi sáng ra cầu tàu Bãi Làng, nơi họp chợ của người dân trên đảo, tôi thấy có những người bán rau rừng đựng trong cái rổ tre, tôi hỏi mua một ít với giá 10.000đ, người bán bỏ rau vào một túi giấy để tôi xách về, điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Trước khi ra đảo, tôi đã được nghe nói về người dân Cù lao Chàm rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng tôi vẫn nghĩ khó có nơi nào mà không sử dụng bọc ni-lông, nhận định của tôi đã sai lầm. Tôi mua bánh mì, họ gói vào giấy báo xách về, mua rau cũng cho vào túi giấy như vậy.
Hình ảnh đó gợi tôi nhớ về thời thơ ấu, lúc tôi còn bé mẹ hay sai đi mua rau, người ta gói lại trong tờ giấy báo mà cầm về, ở đây cũng vậy, tất cả đều bằng giấy báo, cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại hình ảnh này nhưng giờ tôi cảm thấy rất thích và tâm đắc bởi điều đó. Giá như mọi người dân Việt Nam đều sử dụng túi giấy thay cho bọc ni-lông thì du lịch của Việt Nam sẽ là điểm cần đến nhất trên thế giới.Chắc hẳn các bạn cũng biết rồi, nếu dùng bọc ni-lông vô tội vạ mà không có biện pháp thu gom xử lý thì về lâu dài, hậu quả ảnh hưởng môi trường rất rất nghiêm trọng bởi vì bọc ni-lông rất khó phân hủy trong môi trường, chúng có thể tồn tại trong đất cả trăm năm vẫn không phân hủy được.
Điều này làm tôi thật sự thích thú vì tôi biết rằng người dân nơi đây rất có ý thức và quan tâm đến bảo vệ môi trường, Nhà nước đã đầu tư và xây dựng một khu xử lý chất thải rắn trên đảo, có hệ thống thu gom chất thải rắn bằng xe ép rác hiện đại, tốt hơn so với những xe ba gác tự chế để thu gom rác trong thành phố Hồ Chí Minh.
Để phát triển du lịch tại Cù lao Chàm, chính quyền địa phương cần phải có chiến lược quy hoạch phát triển toàn diện, quản lý chặt chẽ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền vận động người dân không sử dụng bọc ni-lông, không săn bắt thú rừng cũng như không chặt phá rừng… đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, như vậy mới có thể tăng thêm thu nhập cho người dân, đảm bảo cuộc sống ấm no đầy đủ. Trong tương lai, tôi tin rằng nơi đây sẽ là một điểm du lịch sinh thái hoang sơ hấp dẫn, xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.Tạm biệt gia đình anh Sỹ, tạm biệt Cù lao Chàm, hẹn gặp lại vào tháng 6 năm 2015.
"Việt Nam diệu kỳ" là cuộc thi dành cho các độc giả yêu thích du lịch. Độc giả gửi bài dự thi dưới dạng bài cảm nhận chuyến đi, hướng dẫn về các điểm du lịch độc đáo, hoặc đưa ra những sáng kiến để phát triển du lịch Việt. Ngoài dạng bài viết, bạn có thể gửi bộ ảnh hoặc clip. Bên cạnh giải nhất 30 triệu đồng, cuộc thi "Việt Nam diệu kỳ" còn có những giải thưởng hấp dẫn khác như tour du lịch nội địa, kỳ nghỉ ở resort 4 sao.
Xem thông tin về thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY.
* Để bình chọn cho bài viết, bạn vui lòng Vote trên trang fanpage Zing.vn TẠI ĐÂY