Trước đây là “tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, sau này là “thung lũng khói xanh” và “thương nhớ Đồng Văn”, xứ xở này là nơi tôi chưa từng đặt chân đến nhưng cứ ám ảnh trong từng giấc mơ với “một không gian đầy hoa lá rừng; có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội đỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau các cô gái khoác tẩu xuống chợ; những nồi thắng cố nghi ngút khói trong phiên chợ vùng cao đầy màu sắc; những đêm trăng sóng sánh, huyền ảo; những bụi mần tang mọc trong thung lũng; tiếng đàn môi réo rắt sau bờ đá”.
Chuyến xe đêm Hà Nội - Hà Giang lăn bánh cũng là lúc bao háo hức, mong chờ của tôi dâng lên đỉnh điểm. Cứ như thế, Hà Giang tặng cho tôi ấn tượng đầu tiên vô cùng tốt đẹp với những người bạn đồng hành mới quen vô cùng dễ thương và vui tính. 4h30 sáng, thành phố Hà Giang vẫn còn ngái ngủ, chúng tôi ngồi xì xụp bên tô mì sáng rồi thuê xe lên đường.
Đồng Văn một ngày đầu đông. |
Đi vào đầu tuần và có khá nhiều thời gian nên chúng tôi cứ thong thả mà tận hưởng những cung đường vắng vẻ, nên thơ và cái lạnh đặc trưng của xứ cao nguyên đá. Từ TP.Hà Giang hướng về quốc lộ 4C, chúng tôi tìm về Quản Bạ đầu tiên. Và câu nói được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong suốt cuộc hành trình chính là “đẹp quá mày ơi”. Chúng tôi đang tự cảm thán, đang tự nói với bản thân mình và đang kể cho nhau nghe về sự xúc động của bản thân. Có một giây phút tôi đã thoáng rơi nước mắt vì nhận ra mình có thể chạm vào được giấc mơ. Và giấc mơ là điều có thật.
Những khúc cua tay áo đặc sản vùng cao. |
Những cung đường đèo dốc uốn lượn bên triền núi đá, điểm xuyết bởi tam giác mạch, cúc vàng hay một loài hoa dại rực rỡ sắc màu nào đó, những đám mây cứ lững thững trôi đi và thỉnh thoảng xà xuống thăm người lữ khách phương xa, những Tam Sơn, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc làm nên một Hà Giang đẹp hơn tranh vẽ. Cả cao nguyên với những vách đá tai mèo sắc nhọn xám xịt càng làm tôn thêm những gam màu rực rỡ đó.
Tam giác mạch khoe sắc cả một khoảng trời. |
Nhưng Hà Giang không chỉ đẹp, mà còn tình nữa. “Bắt đầu từ hôm nay, trời trở lạnh rồi đấy, các cô đi qua Yên Minh nhớ mặc thêm áo ấm nhé”, một bác chúng tôi cho đi nhờ xe ở Quản bạ đã dặn dò như vậy, tình như vậy. Và còn “lúc về nhớ ghé nhà bác uống bát chè nóng nhé”. Thấy Hà Giang thiệt ấm, lúc này.
Nhưng lên đến Yên Minh, chúng tôi - một lũ con gái phương Nam mới thực sự xuýt xoa và co ro vì lạnh. Một bên là rừng thông xanh mướt, một bên là vực sâu hiểm trở. Thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Giang rất nhiều và cũng lấy đi không ít khi thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Thật tâm mong sao những “Áo ấm mùa đông” và sự phát triển về du lịch sẽ giúp nơi này vươn lên từ nghèo khó, nhưng đừng thể nào bị “đồng hóa”. Để Hà Giang mãi là miền thương nhớ, là nơi chốn đi về của rất rất nhiều những tấm lòng luôn yêu và hương về nơi đây.
Rừng thông Yên Minh trong cái rét ngọt cuối năm. |
Vượt bao gian khó, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân lên Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc. Đứng trên đỉnh cột cờ nhưng không thể phóng tầm mắt ra xa vì bốn phía đều là sương mù và chẳng thể nào nhìn được phía dưới, tôi nhủ thầm “vậy cũng hay, có cớ quay lại Hà Giang rồi” mà chợt lòng vui vui.
Cột cờ Lũng Cú một ngày mù sương. |
“Còn lại nơi ấy luyến tiếc
còn lại nơi ấy mắt biếc
còn lại nơi ấy
những ước mơ
tan vào nhau…tan vào nhau”
Chỉ một phút giây thôi, cho tôi được ôm cả Hà Giang vào lòng, để đi xa, đừng nhớ. |
Tôi viết những dòng này khi nhớ về chuyến đi tuyệt vời cách đây một tháng, và trong đầu vẫn còn đang vang lên tiếng hát của Ngũ Cung.
Trông như hoa tươi khoe màu sắc lấp lánh
Những tấm váy phơi cánh bướm rừng rạo rực
Những chiếc lá ngô vươn từ hốc đá xanh như ngọc
Cùng với tiếng tâm tư đàn môi
Gái Lô Lô tươi thanh xuân
Ấm ngọn lửa rừng bên hàng rào đá xám đen
Đời người Lô Lô vùi trong đá
Những em bé vẫy tay chào lữ khách ở Lũng Cú. |
Hà Giang à! Cứ mãi gìn giữ những bản sắc văn hóa đặc trưng được truyền từ ngàn đời nay như vậy, cứ trong trẻo như vậy, cứ giữ trên môi những em bé vùng cao nụ cười xinh như thiên thần như vậy, được không?
"Việt Nam diệu kỳ" là cuộc thi dành cho các độc giả yêu thích du lịch. Độc giả gửi bài dự thi dưới dạng bài cảm nhận chuyến đi, hướng dẫn về các điểm du lịch độc đáo, hoặc đưa ra những sáng kiến để phát triển du lịch Việt. Ngoài dạng bài viết, bạn có thể gửi bộ ảnh hoặc clip. Bên cạnh giải nhất 30 triệu đồng, cuộc thi "Việt Nam diệu kỳ" còn có những giải thưởng hấp dẫn khác như tour du lịch nội địa, kỳ nghỉ ở resort 4 sao.
Xem thông tin về thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY.
* Để bình chọn cho bài viết, bạn vui lòng Vote trên trang fanpage Zing.vn TẠI ĐÂY