Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến miền Tây thưởng thức 4 vị lẩu ngon

Lẩu miền Tây hấp dẫn thực khách với nhiều kiểu biến tấu cùng hương vị độc đáo từ những đặc sản vùng sông nước. Dưới đây là 4 loại lẩu bạn nên thử khi ghé nơi này.

Nồi lẩu của người miền Tây đơn giản nhưng hấp dẫn thực khách nhờ những loại rau, cá đặc trưng của vùng này.

Lẩu mắm

Lẩu có nước dùng được nấu từ những loại mắm đặc sản Tây Nam Bộ gồm mắm sặt, mắm linh và mắm trèn. Lẩu mắm thêm dậy vị nhờ các loại rau vùng sông nước như rau đắng, bông điên điển, cọng bông súng, hoa so đũa, thèo nèo...

lau mien Tay anh 1

Mắm sặt, mắm linh và mắm trèn làm nên nét riêng cho lẩu mắm. Ảnh: homnay_tuiangi.

Đồ nhúng lẩu còn có cà tím, đậu bắp, các loại hải sản tươi, thịt và bún. Lẩu có vị đậm đà, hương thơm quyện vị của sả và mùi mắm đặc trưng.

Lẩu cá linh bông điên điển

Đến miền Tây mùa nước nổi, thực khách không thể bỏ lỡ món lẩu cá linh bông điên điển. Tháng 9-11, cá linh xuất hiện nhiều, bông điên điển cũng nở rộ khắp ven sông, cũng vì thế mà lẩu cá linh ngon nhất vào thời điểm này.

lau mien Tay anh 2

Lẩu cá linh ăn kèm bông điên điển mới hợp vị. Ảnh: Vulcdaika.

Cá linh tươi được làm sạch, ướp gia vị đậm đà. Nồi lẩu thêm hấp dẫn nhờ có nước dừa tươi, chút me chua dậy vị. Một số nơi còn có thêm ngò gai và tỏi phi trong nước dùng. Cá linh không được nấu cùng nước lẩu từ đầu vì cá mau chín. Món lẩu này có hương vị và màu đặc trưng nhờ sắc vàng của bông điên điển.

Lẩu cháo cua đồng

Món ăn này có vị thơm ngọt đặc trưng từ cua đồng. Cua phải tươi, dày thịt mới khiến món lẩu thơm ngon. Sau khi bắt cua, người nấu sẽ bỏ yếm, gỡ mai cua, giã nát thịt cua, nêm gia vị và nấu trên nồi nước sôi. Khi nước sôi, thịt cua sẽ đóng lại từng mảng lớn, khi ăn có vị ngọt đậm đà.

lau mien Tay anh 3

Cháo cua đồng được nấu loãng để nhúng rau và đồ ăn kèm. Ảnh: lephuong0803.

Nồi lẩu cháo cua thêm bắt mắt khi có nấm rơm, hành tím và hẹ. Vì là lẩu cháo, cháo được nấu loãng để người ăn nhúng rau. Các loại rau ăn kèm thường là rau ngót, mồng tơi và rau má.

Lẩu vịt nấu chao

Món lẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long có công thức chế biến khá khác biệt. Thịt vịt được ướp cùng 4 loại gia vị gồm rượu trắng, gừng già, chao trắng, chao đỏ vòng 4 tiếng để tạo nên hương và màu sắc đặc biệt.

Lẩu vịt nấu chao ăn kèm với khoai môn, cải bẹ xanh, rau muống và bún tươi.

lau mien Tay anh 4

Thịt vịt được nêm nếm, tạo hương vị đặc trưng cho món lẩu. Ảnh: thanhdifood.

6 món ăn đậm hương vị quê nhà

Các món dân dã với sự kết hợp của bánh tráng, thịt, rau sống kèm nước chấm gây ấn tượng với thực khách. Bánh hỏi, phá lấu trộn, cơm cháy kho quẹt... là gợi ý lý tưởng cho bạn.

Bích Phương

Bạn có thể quan tâm