Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đến trường để nhận thông tin thì cũng có thể nằm nhà gõ Google'

'Giáo dục là giải phóng con người, nhà trường là nơi cho học sinh trải nghiệm để đối mặt với sự vùi dập với cuộc đời. Nếu đến trường học chỉ để nhận thông tin thì cũng có thể nằm trên giường đắp chăn gõ Google' - thạc sĩ Phan Ý Ly nói.

'Đến trường để nhận thông tin thì cũng có thể nằm nhà gõ Google'

'Giáo dục là giải phóng con người, nhà trường là nơi cho học sinh trải nghiệm để đối mặt với sự vùi dập với cuộc đời. Nếu đến trường học chỉ để nhận thông tin thì cũng có thể nằm trên giường đắp chăn gõ Google' - thạc sĩ Phan Ý Ly nói.

>> Bao nhiêu cánh cổng trường sẽ bị xô đổ?
>> Giẫm đạp xin học vào trường thực nghiệm: Tại ai?
>> GS. Thuyết và lời khuyên phụ huynh thua cuộc ở trường Thực nghiệm
>> Trắng đêm đội mưa, xô đổ cổng trường xin học cho con
>> Công an ‘hộ tống’ phụ huynh nộp đơn cho con vào lớp 1

Sự việc chiếc cổng trường Thực nghiệm bị xô đổ đã tạo nên làn sóng dư luận về phương pháp giáo dục trong hệ thống trường học tại Việt Nam. Cuộc chạy đua để con vào ngôi trường Thực nghiệm đã khiến các bậc phụ huynh, những người làm giáo dục...băn khoăn rằng làm thế nào để các em nhỏ được học trong một môi trường thú vị, với nhiều hoạt động vui chơi, không bị quá tải với bài tập, không chịu sức ép nặng nề của các kỳ thi....

Trong buổi giao lưu School's out, life's in diễn ra vào hôm qua (17/5, do tổ chức TED thực hiện) Thạc sĩ Phan Ý Ly, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Tâm lý và Xã hội học, học giả Chevening Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành Sử dụng sân khấu và truyền thông trong phát triển con người ở Vương quốc Anh, đã có những chia sẻ của mình về bản chất hiện tượng giáo dục trong nước.

Phan Ý Ly (Ảnh Vietnamnet).

 

Xã hội đang đánh đồng giáo dục với học đường

Tại Việt Nam, năm 2010 Phan Ý Ly thành lập Life Art - tổ chức đầu tiên với mô hình doanh nghiệp, ứng dụng nghệ thuật trong phát triển con người và thúc đẩy loại hình nghệ thuật biểu diễn. Tại đây, có nhiều lớp học thú vị dành cho trẻ và các bậc phụ huynh để giúp các em được sáng tạo, được thoải mái thể hiện cảm xúc của mình như Cười để sống, Trí tuệ cảm xúc, Sống sáng tạo, Điên, Cuồng...

 

Phan Ý Ly cũng là một nghệ sỹ sân khấu thử nghiệm và là người sáng lập Sân khấu Nháp. Cô được biết đến nhiều qua các tác phẩm sân khấu thể hình và các dự án phát triển cộng đồng.

Theo Thạc sĩ Ý Ly, hiện nay xã hội Việt Nam đang đánh đồng giữa giáo dục và học đường. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng  con cái đến trường tức là được giáo dục, chỉ chăm chăm tìm kiếm sự học cho con ở trường mà thôi.

 

Ý Ly khẳng định: "Thế nhưng, với quan điểm mà tôi có niềm tin thì giáo dục không phải là dạy kỹ năng mà là giải phóng cho con người. Giáo dục ở khắp nơi trong cuộc sống chứ không chỉ trong nhà trường. Nhà trường có phải là nơi giáo dục theo nghĩa đó, có phải là nơi mang đến cho con người sự tự do, nơi các em được đặt nhân sinh quan, đặt câu hỏi của mình về thế giới để góp phần thay đổi xã hội hay không".

Tuy nhiên, với nhà trường hiện tại của nước ta, thi điều đó lại khác, điều đó bắt đầu với nguyên nhân là cơ chế thị trường. "Cơ chế thị trường với việc các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự cấp cao theo bằng cấp. Điều đó khiến tôi cũng như các bậc phụ huynh đều mong con được vào các doanh nghiệp như vậy, để có công ăn việc làm, có đồng lương. Và với đà này thì nhà trường chưa chắc là một nơi để các em học sinh được tự do tư duy, tự do sáng tạo mà chỉ để cấp bằng và đáp ứng nhu cầu thị trường, và thế là trở thành một vòng quay, dẫn đến sự chuẩn hóa" - Ý Ly nói.

Cũng theo cô, một trong những nguyên nhân khiến việc đến học của trẻ bị áp lực nữa là đánh đồng tính cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Tính cá nhân là hiện nay, chúng ta cổ xúy cho cá nhân. Chẳng hạn như trong lớp thì bạn lớp trưởng luôn được tôn vinh, còn bạn nào bị điểm thấp thì bêu ra trước lớp. Trong buổi học phụ huynh thì các bạn điểm cao sẽ được cô giáo nêu tên khen ngợi và còn rất nhiều phần thưởng tặng cho các bạn ấy. Điều đó dẫn đến việc tôn vinh tôn thờ một cá nhân và yêu cầu mọi người phải theo chuẩn đó.

Phan Ý Ly tại buổi giao lưu.

"Theo tôi tính cá nhân là trong một lớp học thì mỗi người đều có một nét riêng, có người giỏi toán, có người giỏi văn, có người giỏi ca hát, người giỏi vận động. Vậy thì một chương trình học lý tưởng là phải đáp ứng được mọi tiêu chí của tất cả mọi người. Chương trình đó khi dạy văn thì học sinh biết liên hệ đặc tính của Thạch Sanh - Lý Thông với những con người bên ngoài xã hội, nếu dạy toán thì các em biết liên hệ những con số khô khan..... Để từ đó, các em có những mối liên hệ thực tế để giúp con người sống tốt hơn" - Ý Ly khẳng định.

Cũng bởi những sự đánh đồng trên khiến khiến việc học trong nhà trường bỗng trở thành sự huấn luyện. "Khi chúng ta phải lặp đi lặp lại để đạt được một điều gì đó thì phải tạo cái chuẩn để đánh giá. Vì thế thì bắt đầu cần có bằng chuẩn, có điểm số, có các danh hiệu, nảy sinh việc học phân ban, học chuyên thay vì phát triển đồng đều về học lực. Điều đó lại sinh ra một loạt cơ chế như: thầy cô giáo cần phải có một giáo trình đảm bảo làm sao để một năm học thì các em học sinh thi đỗ bao nhiêu % học sinh giỏi, nhà trường thì đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc" - cô lý giải.

Cái chuẩn này, ban đầu có vẻ được đề ra mục đích kiểm soát được, đo được chất lượng giáo dục nhưng sau đó lại biến tất cả thành một guồng quay trong giáo dục mà quên đi mục đích của trẻ khi đến trường là để được đặt câu hỏi, được hiểu biết.

Giáo dục bằng hoa hồng, bút chì hay cái búa thì cũng thế mà thôi

Theo cô, một khái niệm của cơ chế kiểm soát là tính dân chủ trong lớp học. Một buổi học thì nhà trường, cô giáo và học sinh đều phải trao đổi nội dung học, cách học. Khi có nhu cầu kiểm tra thì không nên áp đặt, mà thậm chí học sinh cũng có thể ra đề.

Ngoài ra, nhà trường hoàn hảo là nhà trường cho học sinh những trải nghiệm tối đa, cho phép học sinh trải nghiệm an toàn để khi tốt nghiệp sẵn sàng đối mặt với sự vùi dập với cuộc đời.

Phan Ý Ly và các em nhỏ trong dự án dành cho các em nhỏ ở bãi giữa sông Hồng. (Ảnh Life Art).

Cô nói: "Tôi nghĩ rất nhiều người đang cho rằng đi học, đến trường thì mới thành công. Hoặc nhiều người nghĩ tôi không đi học thì tôi là người vất đi. Và không ít người nghĩ việc không đi học là đang bài xích, đang có thái độ vô cùng tiêu cực với giáo dục. Như chúng ta cũng biết mới đây tại Hà Nội cậu bé không đến trường, cả ngày ngồi chơi, tham gia các hoạt động... và nhiều người băn khoăn việc cậu không ngồi trong lớp học, không kỷ luật thì cậu có trở thành một con người đúng nghĩa hay không, sau này có tìm được việc làm hay không...?

Và có lẽ chúng ta cũng băn khoăn là có nên ngồi trong nhà trường hay ra đi ra bên ngoài tham gia các hoạt động để tăng những trải nghiệm của mình hay không. Theo tôi, nếu phải lựa chọn, thì hãy để bản thân mình được tự nhiên".

Cô cũng nói thêm: "Những năm gần đây, các lớp học được trang bị máy vi tính, quay phim... và họ nghĩ rằng những công cụ sáng choáng đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của giáo dục. Tôi thì không nghĩ vậy, nếu đã không có kỹ năng, nếu ở tinh thần áp đặt thì dù giáo dục các em bằng hoa hồng, bút chì hay cái búa thì cũng thế mà thôi. Cái quan trọng là phải từ tư duy, nhưng từ tư duy đi tới hành động thì là một quá trình khác".

Kết thúc phần chia sẻ của mình, người sáng lập các khóa học kỳ lạ như Cười để sống, Trí tuệ cảm xúc, Sống sáng tạo, Điên, Cuồng ... khẳng định: "Nếu chúng ta đến trường chỉ để nhận thông tin thì cũng có thể nằm trên giường đắp chăn gõ Google".

Thủy Nguyên

Theo Infonet

Thủy Nguyên

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm