Ở Hàn Quốc, trước khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang chủ yếu được sử dụng bởi những người nổi tiếng để tránh sự chú ý hoặc được mọi người đeo trong những ngày ô nhiễm cao.
Đã gần hai năm kể từ khi việc đeo khẩu trang trở thành bắt buộc ở những nơi công cộng trong nước.
Tuy nhiên, khi Hàn Quốc tiến ra khỏi làn sóng nhiễm trùng gần đây nhất bởi biến thể Omicron, việc đeo khẩu trang có thể sớm trở thành vấn đề lựa chọn của mỗi cá nhân.
Số lượng lây nhiễm hàng ngày đang giảm xuống, cách tiếp cận của chính phủ đối với đại dịch là chuyển sang sống chung với virus và coi Covid-19 giống như căn bệnh đặc hữu.
Nhiều người Hàn Quốc có kế hoạch đeo khẩu trang ngay cả khi đất nước này không còn lệnh bắt buộc. Ảnh: The Korea Herald. |
Các nhà chức trách đã loại bỏ giới hạn về giờ hoạt động của một số cơ sở và số lượng người tối đa được phép tham gia các buổi tụ tập riêng tư. Hiện tại, khẩu trang vẫn được yêu cầu.
Dường như không phải ai cũng sẵn sàng chia tay với khẩu trang. Nhiều người khám phá ra những lợi ích bất ngờ khi đeo nó, trong khi những người khác vẫn cảnh giác với việc bị nhiễm bệnh.
"Lúc đầu thì không thoải mái, nhưng bây giờ tôi đã quen với việc đeo khẩu trang ở mọi nơi như trong văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng và ở phòng tập thể dục", Choi Young Kyung, nhân viên văn phòng 28 tuổi ở Seoul, cho biết sẽ cảm thấy kỳ lạ nếu không che mặt trước mặt người khác.
Hành khách trên chuyến xe buýt ở Seoul, Hàn Quốc vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang nhưng các hạn chế khác đã được dỡ bỏ. Ảnh: Korea Times. |
"Tôi thích việc tôi có thể che đi nửa khuôn mặt khi nói chuyện với cấp trên trong công việc. Họ dường như không nhận thấy rằng tôi chỉ cười bằng mắt chứ không phải bằng miệng, một kỹ năng hữu ích mà tôi đã phát triển nhờ chiếc khẩu trang", anh tiếp lời.
Bên cạnh đó, một số người dự định tiếp tục đeo khẩu trang vì chúng đã chứng tỏ hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh khác, không chỉ virus.
"Trước đại dịch, tôi thường xuyên bị đau họng và sổ mũi. Tôi đã không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong suốt hai năm qua, điều đó có nghĩa là khẩu trang thực sự có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh khác. Tôi sẽ tiếp tục đeo chúng trừ những ngày nóng nhất của mùa hè", Lee Jae Gil, chủ nhà hàng 55 tuổi ở Seoul cho biết.
Khẩu trang là cách hữu ích để che giấu khuôn mặt của mọi người nhằm tránh sự chú ý không mong muốn
Những lo ngại kéo dài về virus corona có nghĩa là nhiều người không yên tâm rằng chính phủ sẽ nới lỏng quá nhiều hạn chế và bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang trong tương lai gần.
"Với việc các bài giảng chuyển sang chế độ ngoại tuyến và nhiều cuộc tụ họp hơn được tổ chức tại đại học, tôi lo lắng rằng mình có thể bị nhiễm virus bất cứ lúc nào. Ngay cả khi việc đeo khẩu trang được gỡ bỏ, tôi sẽ tiếp tục đeo chúng ở mọi nơi", một sinh viên 22 tuổi học tại Đại học Hàn Quốc chia sẻ.
Ga Gwanghwamun ở Seoul vào ngày 24/8/2020, ngày đầu tiên bắt buộc đeo khẩu trang được áp dụng trên toàn thành phố. Ảnh: Korea Times. |
Lim Myung Ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, nói rằng ngay cả khi đất nước bỏ mặc lựa chọn đeo khẩu trang cho mỗi cá nhân, chúng cũng sẽ không sớm biến mất.
"Trước cuộc khủng hoảng do đại dịch, khẩu trang được cho là chỉ được đeo bởi những người ốm yếu hoặc những người quan tâm quá mức đến sức khỏe của họ. Giờ đây, nó trở thành cách hữu ích để chúng tôi che giấu khuôn mặt nhằm tránh sự chú ý không mong muốn. Đây cũng là dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng với người khác", giáo sư Lim cho biết.
Lim giải thích sẽ mất một khoảng thời gian tương đối để mọi người quen với việc tương tác trực diện trong thế giới hậu đại dịch.
Các chuyên gia cũng lưu ý, không giống như một số nước phương Tây nơi quy định đeo khẩu trang đã dẫn đến các cuộc phản đối của những người coi đó là vi phạm quyền tự do cá nhân, những cuộc tranh luận như vậy không diễn ra ở Hàn Quốc.
Việc đeo khẩu trang tại Hàn Quốc đã trở nên quen thuộc trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: Star. |
Koo Jeong Woo, nhà xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, nói rằng điều này phản ánh "bản chất tập thể" của người Hàn Quốc: "Người Hàn Quốc không chỉ quen với việc tuân thủ các quy tắc do chính phủ đặt ra, họ còn sợ phải đứng ngoài cuộc. Mặc dù không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài trời nếu giữ khoảng cách với những người khác, mọi người đều đeo chúng vì họ lo lắng về vẻ ngoài".
Koo Jeong Woo cũng dự đoán ngay cả khi các quy định về khẩu trang được dỡ bỏ, đa số người dân sẽ đeo chúng ở những nơi công cộng như tàu điện ngầm và các phòng tập thể dục trong nhà.
Ông nói: "Khẩu trang là công cụ quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, nhưng điều đó làm tôi lo lắng rằng những tác động tiêu cực của khẩu trang đối với xã hội đã bị bỏ qua. Việc giấu một nửa khuôn mặt của chúng ta trong các cuộc trò chuyện sẽ làm gián đoạn các tương tác xã hội và khả năng chia sẻ cảm xúc".
Các nhân viên tại nhà máy sản xuất mặt nạ ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times. |