Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐH dùng biện pháp mạnh với sinh viên chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh

Khả năng đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh chủ yếu nằm ở nỗ lực của sinh viên. Nhiều đại học cũng có các biện pháp từ khuyến khích tới mạnh tay nhằm giúp các em hoàn thành chỉ tiêu này.

Sinh viên Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NVCC.

Vượt qua “mác” trường kỹ thuật kém tiếng Anh, rất ít sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM chậm nhận bằng do chưa đạt chuẩn ngoại ngữ. Lý do được trường này đưa ra là bên cạnh kiến thức, nhà trường chú trọng đào tạo ngoại ngữ, giúp sinh viên sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động trình độ cao, hội nhập quốc tế.

Từ khuyến khích, khuyên răn...

Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết để thúc đẩy việc học tiếng Anh, nhà trường đặt ra các ngưỡng với từng cấp độ/từng năm học theo lộ trình giảng dạy. Sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ trước khi nhận đồ án tốt nghiệp, để khi hoàn thành đồ án là nhận bằng tốt nghiệp ngay.

“Nhà trường tổ chức giảng dạy các môn tiếng Anh và tặng kèm cho sinh viên bản quyền công cụ học, kết hợp với các môn tiếng Anh dạng tăng cường, giúp các em có thêm cơ hội học tập”, ông Thắng nói.

Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết các trung tâm ngoại ngữ của trường còn có nhiều hoạt động tăng cường như câu lạc bộ, các sinh hoạt bổ trợ.

Ông Thắng khuyên sinh viên, nhất là các em ngành kỹ thuật, phải học ngoại ngữ liên tục, nhanh chóng hoàn thành các học phần ngoại ngữ, đạt chuẩn đầu ra; đồng thời phải vận dụng sức trẻ để tăng tốc quá trình học, tạo động lực học tập cho chính mình để có thể thu nhận kiến thức nhân loại tốt nhất, có cơ hội làm việc trong môi trường toàn cầu.

Nếu có khó khăn trong việc học ngoại ngữ, các em nên mạnh dạn nhờ sự trợ giúp từ nhà trường, bạn bè, hội sinh viên, hay đoàn thanh niên.

Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý đào tạo, cho hay giải pháp của trường là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến thí sinh về chuẩn đầu ra, các quy định của trường ngay trong quá trình tư vấn tuyển sinh và các hoạt động đầu khóa của sinh viên.

Với những sinh viên chưa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, sau khi nhập học, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra phân loại tiếng Anh đầu vào theo chuẩn quốc tế, từ đó làm căn cứ giúp các em xây dựng lộ trình học đáp ứng chuẩn đầu ra.

“Chúng tôi xây dựng các chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường theo chuẩn quốc tế để đào tạo cho sinh viên chưa đạt chuẩn đầu ra; đồng thời tổ chức tư vấn, định hướng 1-1 cho từng em để có lộ trình học hợp lý. Sinh viên có thể lựa chọn đăng ký chương trình học phù hợp với trình độ của mình”, ông Đức cho hay.

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng tổ chức kiểm tra tiếng Anh định kỳ nhằm phân loại, đánh giá và cảnh báo sớm tới sinh viên.

“Chúng tôi phối hợp với các tổ chức tiếng Anh quốc tế để tổ chức kỳ thi IELTS tại trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên”, ông Đức nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban Đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường cố gắng hỗ trợ bằng nhiều cách nhằm giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ.

“Không chờ đến cuối quá trình đào tạo mới kiểm tra rà soát việc này, Đại học Bách khoa thường xuyên rà soát và hướng dẫn lộ trình cho các sinh viên - trong đó ở mỗi một giai đoạn, các em phải đạt trình độ ngoại ngữ nhất định để được học tiếp. Ví dụ, khi sinh viên chưa đạt trình độ ngoại ngữ theo tiến độ, nhà trường sẽ không cho các em đăng ký quá nhiều học phần, kết hợp nhắc nhở, truyền thông để sinh viên dành thêm thời gian học tiếng Anh”, ông Hùng nói.

Ông cho biết thêm trong thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh một số hướng giải pháp, chẳng hạn như đưa ra lộ trình theo từng kỳ cho sinh viên để khi tốt nghiệp đạt mức chuẩn đầu ra. Nếu để đến 1-2 kỳ cuối mới học, các em không thể kịp.

“Chúng tôi đang cố gắng lượng hóa tốt nhất các lộ trình đó. Dữ liệu trên hệ thống đã có. Ví dụ, sinh viên đang học đến kỳ nào, tích lũy được bao nhiêu tín chỉ/điểm và cảnh báo đến thời điểm đó nên đạt trình độ tiếng Anh ra sao. Việc giới hạn đăng ký tín chỉ/môn học cũng là giải pháp, bởi khi đó sinh viên bắt buộc dành thời gian học và đạt đến trình độ tiếng Anh nhất định nào đó”.

Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tìm cách tạo thêm môi trường ngoại ngữ cho sinh viên.

“Chúng tôi cố gắng quốc tế hóa bằng việc thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến trường hơn, mời các giảng viên nước ngoài đến giảng dạy. Các tổ chức Đoàn, Hội tổ chức thêm những câu lạc bộ liên quan đến tiếng Anh. Nhà trường cũng có một trung tâm chuyên đào tạo về ngoại ngữ để hỗ trợ sinh viên yếu hoặc có nhu cầu”, ông Hùng nói.

Đại diện Đại học Thương mại thông tin rằng giải pháp thường xuyên của trường là tăng cường đôn đốc sinh viên đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Nhà trường cũng có trung tâm đào tạo kỹ năng nghề nghiệp liên kết với trung tâm tiếng Anh, hỗ trợ sinh viên học vào các buổi tối để tăng cường, luyện thi.

“Do là đơn vị liên kết của trường, các khóa học có mức phí ưu đãi hơn so với khi các em đăng ký học ở ngoài”, vị này nói và cho biết thêm trường sẽ giữ chuẩn đầu ra về tiếng Anh và thậm chí trong tương lai còn yêu cầu cao hơn để tiếp tục hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo.

... đến các biện pháp ''mạnh tay''

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết nhà trường có quy định về chuẩn ngoại ngữ cần đạt qua mỗi học kỳ, sinh viên không đạt sẽ bị giới hạn đăng ký các học phần chuyên ngành.

Trường cũng có chính sách học bổng để khuyến khích sinh viên sớm đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; đồng thời có hệ thống tự động cảnh báo sớm những cá nhân không đạt.

Song song, Trung tâm ngoại ngữ của trường tổ chức nhiều hình thức giảng dạy trong và ngoài giờ học chính quy giúp sinh viên bổ túc ngoại ngữ nếu chưa đạt chuẩn quá trình. Trung tâm cũng xây dựng hệ thống bài giảng số giúp sinh viên tự học trực tuyến để củng cố các kiến thức và kỹ năng về ngoại ngữ ngoài giờ học trực tiếp trên lớp.

Dù vậy, theo ông Khang, sinh viên cần tự nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng ngoại ngữ - đó là điều kiện cần để thăng tiến trong công việc sau này, từ đó có kế hoạch học tập dài hạn theo từng ngày, tuần, tháng, năm từ khi bước chân vào đại học cho đến lúc tốt nghiệp.

Sau đó, các em cần kiên trì học để đạt các kỹ năng theo đúng kế hoạch đề ra; đăng ký tham gia các kỳ thi chứng chỉ để tự đánh giá trình độ qua từng năm.

Tại Đại học Công Thương TP.HCM, ông Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng, cho biết nhà trường có khoa và trung tâm ngoại ngữ, trung tâm bồi dưỡng và khảo thí ngoại ngữ để tổ chức thi năng lực tiếng Anh 6 bậc.

Nhà trường tạo đa kênh và có rất nhiều sự lựa chọn cho sinh viên. Ngoài tiếng Anh, sinh viên có thể theo chuẩn tiếng Hàn, Pháp, hay Nhật. Ngoài ra, trường có chính sách miễn giảm học phí ôn tập, lệ phí thi tổ chức tại trường.

“Tháng nào chúng tôi cũng nhắc nhở sinh viên trên hệ thống. Điều này như một cách cảnh báo, xúc tác liên tục để sinh viên quan tâm nhiều hơn”, ông Thanh nói và hy vọng sinh viên nỗ lực để đạt chuẩn theo quy định, tránh đánh mất cơ hội nghề nghiệp, việc làm.

“Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc, nhà trường sẽ không giảm nên sinh viên phải có lộ trình trang bị cho mình, tốt nhất là đạt từ năm 1, năm 2 để thời gian sau dồn cho học chuyên ngành”, ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Đại học Công nghiệp TP.HCM, khẳng định.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Nhiều giáo viên tiếng Anh Việt Nam thấy người nước ngoài là né

Năng lực giao tiếp chính là mục đích cơ bản, cuối cùng của việc dạy và học ngoại ngữ hiện đại. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng kỹ năng nghe và nói của giáo viên Tiếng Anh vẫn là vấn đề nan giải.

https://vietnamnet.vn/dai-hoc-dung-bien-phap-manh-canh-bao-sinh-vien-chua-dat-chuan-dau-ra-tieng-anh-2326600.html

Lê Huyền - Thanh Hùng / VietNamNet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm