Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) Đàm Bích Thủy nói như vậy trong cuộc trò chuyện tại Trung tâm Hoa Kỳ cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các bạn trẻ hôm nay, 7/8.
Người dẫn chương trình ở Hà Nội, được truyền hình trực tiếp tới các bạn trẻ tại TP HCM này là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius. Ông gây ấn tượng với người tham dự bằng khả năng nói tiếng Việt khá tốt.
Tại buổi giao lưu với thanh niên, sinh viên Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ đã chia sẻ nhiều thông tin, dự định đối với việc hợp tác giáo dục giữa hai nước, đặc biệt là sự tiến triển của dự án Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Cao Nhật. |
Tránh sai lầm chỉ so sánh với chính mình
Là người đến Mỹ học MBA từ năm 1993 tại Đại học Pensylvania, trường hàng đầu thế giới về quản trị kinh doanh, bà Đàm Bích Thủy cho rằng: “Mặc dù các bạn trẻ ham muốn kiến thức mới nhưng đừng quên những giá trị căn bản làm nên năng lực cạnh tranh của người Việt Nam. Đó là khát khao tri thức mới, khả năng chịu đựng, sự bao dung, tôn trọng lẫn nhau. Nhờ vậy, rất nhiều công ty, tổ chức quốc tế muốn tuyển dụng người Việt Nam làm việc”.
Ngoài ra, theo bà Thủy, người Việt Nam cũng trung thành, trong khi trên thế giới, nhiều người hay nhảy việc.
“Trung thành là giá trị cơ bản mà người Việt Nam cần gìn giữ và tôi tin các bạn sẽ được thế giới tôn trọng vì điều đó”, Chủ tịch ĐH Fulbright chia sẻ.
Trao đổi với Zing.vn, TS Vũ Thành Tự Anh, từ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhấn mạnh về sự khác biệt trong đánh giá sinh viên.
“FUV được thành lập để Việt Nam có thể so sánh mình với các thể chế khác trên thế giới. Chúng tôi muốn tránh sai lầm là Việt Nam chỉ so sánh với chính mình”.
Bà Đàm Bích Thủy
“Chúng tôi sẽ đánh giá dựa vào quá trình, khả năng tư duy và sự sáng tạo chứ không phải câu trả lời cuối cùng giống hay không giống đáp án. Chúng tôi muốn tạo ra môi trường thu hút tất cả những người có tài năng, khát vọng học tập và cống hiến”, TS Vũ Thành Tự Anh bày tỏ.
Đại học Fulbright Việt Nam dự kiến có tổng đầu tư khoảng 70 triệu USD. Trong đó, ước tính mức đầu tư giai đoạn một 5,3 triệu USD; giai đoạn hai 20 triệu USD (khoản tiền này đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt chi trả thông qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 12/2014), và phần còn lại 44,7 triệu USD cho giai đoạn ba (chủ yếu từ nguồn đóng góp thiện nguyện).
Tự do học thuật là nguyên tắc nền tảng
Trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ từ Hà Nội và TP HCM, Ngoại trưởng John Kerry cho rằng, Đại học Fulbright Việt Nam không thể thành công nếu không có tự do học thuật, bởi FUV không chỉ chuyển giao kiến thức, mà còn giúp sinh viên có những cách tư duy, ý tưởng mới.
“Những môn hay nhất của ĐH Mỹ là khoa học xã hội và nhân văn. Sinh viên phải có quyền tự do đặt câu hỏi, có quyền lựa chọn cách nhìn khác và tranh luận để đi đến quyết định đúng - sai. Muốn vậy, tự do học thuật phải là nguyên tắc cơ bản và nền tảng”, ông John Kerry bày tỏ quan điểm.
Về ý kiến cho rằng sinh viên Việt Nam còn thụ động trong học tập, ông John Kerry nói, đây không chỉ là vấn đề ở riêng Việt Nam. Hiện, không ít nước, sinh viên bị yêu cầu học vẹt, nhồi nhét kiến thức.
Ngoại trưởng Mỹ vui vẻ chụp ảnh "selfie" cùng hàng chục bạn trẻ tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Cao Nhật. |
“Khi học ở Mỹ, thú thật tôi chưa biết suy nghĩ thực sự độc lập cho đến khi học luật, bởi môi trường đó rất năng động, đa chiều”, Ngoại trưởng Mỹ tâm sự.
Ông John Kerry cho rằng, ĐH Fulbright Việt Nam sẽ bắt đầu ưu tiên rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và các giảng viên sẽ không áp đặt quan điểm lên sinh viên.
“Ý kiến của mỗi người sẽ được thử thách thông qua đối thoại và tranh luận, có thể một số người sẽ có ý kiến khác nhau, nhưng đó là điều bình thường”, Ngoại trưởng John Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, ông ấn tượng với tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ và rất lạc quan về tương lai phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, xây dựng được một hệ sinh thái cho khởi nghiệp không phải là công việc trong một sớm, một chiều.