Chiều 2/11, tại TP.HCM, ĐH Fulbright Việt Nam thông tin về kế hoạch tuyển sinh khóa cử nhân đầu tiên, dự kiến nhập học vào năm 2018.
Theo công bố kế hoạch tuyển sinh khóa sinh viên đại học đầu tiên cho "Năm học đồng kiến tạo" của ĐH Fulbright Việt Nam, 50 bạn trẻ ưu tú sẽ cùng giảng viên từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới trải nghiệm và hoàn thiện hành trình đại học hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Đại diện nhà trường cho biết ĐH Fulbright tìm kiếm ứng viên toàn diện, có khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, kết nối, tư duy, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp...
50 sinh viên này sẽ được lựa chọn qua các bài luận, quá trình phỏng vấn, chứ không thông qua bảng điểm hay thi cử.
Hồ sơ ứng tuyển được công bố vào ngày 1/12. Ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển trước 1/2/2018.
Bà Đàm Bích Thủy (trái), Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam, cho biết chương trình đào tạo của trường sẽ không áp đặt. Ảnh: Ngân Giang |
"Chúng tôi đặt sinh viên ở trung tâm của mọi hoạt động. Chương trình đào tạo đại học của trường sẽ không mang tính áp đặt từ giảng viên, mà là những trao đổi, thảo luận giữa giảng viên và sinh viên. Trong đó, sinh viên được trao quyền và đóng vai trò làm chủ quá trình học tập của mình", bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam, khẳng định.
Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot, Giám đốc Học thuật của ĐH Fulbright Việt Nam, thông tin trường không muốn đào tạo sinh viên đi xin việc, mà tạo ra những người có kiến thức, tư duy, kỹ năng cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào họ theo đuổi.
Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot, Giám đốc Học thuật của ĐH Fulbright Việt Nam. Ảnh: Ngân Giang. |
"Mô hình giáo dục cũ không giúp người trẻ chuẩn bị cho những cơ hội và thách thức chưa từng có của thế giới. Mục tiêu của tôi là đưa FUV trở thành trường dẫn đầu trong sáng tạo giáo dục đại học trên thế giới", ông Ryan Derby-Talbot cho hay.
Theo giải thích của ông, sinh viên sẽ theo học chuyên ngành từ hai khối Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Nghệ thuật, hoặc Kỹ thuật với chương trình học gần như hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đặc biệt, các bạn trẻ được làm việc với giảng viên để chọn môn học, tài liệu, cơ hội học tập thông qua trải nghiệm thực tế hoặc dự án hỗ trợ.
"Chúng tôi vẫn giảng dạy các môn học quen thuộc như Triết học, Văn hóa Việt Nam..., nhưng với cách tiếp cận, giải quyết khác", ông Ryan Derby-Talbot nói.
Đại sứ Ted Osius trao quyết định tài trợ từ USAID cho bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn. |
Trường xây dựng chương trình học theo "block plan". Mỗi thời điểm, sinh viên chỉ tập trung học và làm bài tập một môn, khoảng 3 tiếng mỗi ngày trong vòng 4 tuần. Phương pháp học này giúp đào sâu, tìm cách giải quyết tận gốc vấn đề, thay vì tìm hiểu "bề nổi của tảng băng chìm" và thuộc lòng đáp án.
Khuôn viên chính rộng 15 hecta của ĐH Fulbright Việt Nam ở Khu Công nghệ cao TP.HCM (Xa lộ Hà Nội, quận 9, TP.HCM). Giai đoạn xây dựng đầu tiên dự kiến hoàn tất vào mùa hè năm 2020.
ĐH Fulbright Việt Nam là đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở nước ta, hoạt động hướng tới mô hình khai phóng với hình thức tuyển sinh mới và đào tạo bằng tiếng Anh.
Ngày 25/5/2016, lễ ký quyết định thành lập ĐH Fulbright Việt Nam diễn ra dưới sự chứng kiến của quan chức Việt - Mỹ. Đây sẽ là đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam.
Học bổng Sáng lập FUV (FUV Founding Scholarship) hỗ trợ hoàn toàn học phí và chi phí sinh hoạt trong năm học đầu tiên đối với 50 sinh viên đầu tiên. Trong mỗi năm học tiếp theo, học phí dự kiến là 20.000 USD. Chi phí sinh hoạt dự kiến khoảng 3.000 USD.
Với các sinh viên đã tham gia "Năm học đồng kiến tạo", sau khi kết thúc năm đầu tiên, trường cung cấp học bổng trị giá khoảng 5.000 USD mỗi năm. Tổng chi phí không vượt quá 18.000 USD mỗi năm.
Sinh viên có cơ hội nộp đơn xin thêm hỗ trợ tài chính dựa trên hoàn cảnh kinh tế. Đối với những sinh viên thật sự khó khăn, nhà trường dự kiến hỗ trợ phần lớn chi phí (ví dụ 75%). Với sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khá hơn, trường có thể hỗ trợ phần nào chi phí (25%).