PGS.TS Bùi Quốc Triệu, trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 thì nhà trường giữ nguyên phương án tuyển sinh như đã công bố.
Kỳ thi THPT quốc gia là trọng đại, ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội và sự phát triển của đất nước, tính công bằng, minh bạch và niềm tin của dân.
Bộ GD&ĐT, Chính phủ phải hết sức thận trọng. Các quyết định về thi cần tính đến quyền lợi của học sinh, thí sinh. Không nên quá coi trọng quyền lợi của các trường đại học hay của Sở GD&ĐT.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: V.L. |
Trong trường hợp Bộ GD&ĐT không tổ chức thi THPT quốc gia, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức thi riêng, sẵn sàng kết hợp với các trường đại học khác để lập nhóm thi chung. Kỳ thi này phải phù hợp với tình hình thực tế.
PGS. Bùi Đức Triệu cho hay đó là cách thi mà từ trước đến nay thí sinh đã được học và đã chuẩn bị. Hình thức và nội dung của kỳ thi riêng này cũng sẽ tương tự như kỳ thi THPT quốc gia hiện nay bởi nhà trường đã có kinh nghiệm tổ chức thi thi “3 chung”. Nhưng đề thi sẽ được rút gọn hơn.
Mục đích tổ chức kỳ thi này nhằm đảm bảo chất lượng và không gây xáo trộn cho học sinh. ĐH Kinh tế Quốc dân cũng sẽ sẵn sàng đứng ra lập nhóm với các trường đại học để cùng tổ chức thi.
Về môn thi, nhà trường tổ chức thi theo các môn tổ hợp mà nhà trường xét tuyển. Theo đó, trường sẽ tổ chức thi 8/9 môn của kỳ thi THPT quốc gia. Môn duy nhất nhà trường không tổ chức thi là Giáo dục Công dân.
Lý giải vì sao không xét học bạ, PGS Bùi Đức Triệu cho rằng hình thức này không công bằng với tất cả các thí sinh và thậm chí không xét được. Các trường top đầu xét học bạ sẽ vỡ trận vì học bạ của thí sinh giống nhau.
Nếu không thi THPT quốc gia, các trường đại học vẫn chủ động được phương án tuyển sinh nhưng thí sinh sẽ rối, thi hết trường này đến trường khác. Mỗi thí sinh thi không dưới 5 trường nên dẫn đến nhiều hệ lụy.