Cụ thể, 3 phương thức tuyển sinh của ĐH Kinh tế Quốc dân là xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; xét tuyển kết hợp dựa trên đề án tuyển sinh của trường và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tổng chỉ tiêu dự kiến của trường là 6.100 sinh viên. Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chiếm 10-15% tổng chỉ tiêu. Hai phương thức tuyển sinh còn lại chiếm 80-85% chỉ tiêu của trường.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Việt Linh. |
Với các phương thức/đối tượng xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 20 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên).
Ở phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, ĐH Kinh tế Quốc dân mở rộng từ 5 nhóm đối tượng xét tuyển (theo đề án tuyển sinh năm 2021) lên 7 nhóm, bao gồm xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT và ACT; thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM; thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội đạt từ 20 điểm; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của đại học quốc gia; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.
Nhà trường cũng xét tuyển thí sinh là học sinh hệ chuyên ở các trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; thí sinh đã tham gia vòng thi tuần "Đường lên đỉnh Olympia" hoặc đoạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc giải khuyến khích quốc gia kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Kinh tế Quốc dân lưu ý, xét tuyển kết hợp không phải là tuyển thẳng, thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sẽ được xét từ trên cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu bằng phần mềm tuyển sinh của trường, tương tự xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT theo phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Năm 2022, ĐH Thương mại tuyển sinh 4.150 chỉ tiêu cho 5 phương thức là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và quy định của trường; xét tuyển kết hợp; xét kết quả học tập bậc THPT đối với thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các trường THPT trọng điểm quốc gia; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội; và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Trong đó, 2 phương thức chiếm chỉ tiêu lớn nhất của trường lần lượt là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (chiếm 45-50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh) và xét tuyển kết hợp (chiếm 40-45% tổng chỉ tiêu tuyển sinh).
Ở phương thức xét tuyển kết hợp, ĐH Thương mại sẽ xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế với kết quả học tập bậc THPT; và xét kết hợp giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia với kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Cũng trong năm 2022, ĐH Thương mại dự kiến bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo mới là Quản trị kinh doanh (chương trình chất lượng cao); Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Quản trị khách sạn (chương trình định hướng nghề nghiệp); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (chương trình định hướng nghề nghiệp); Marketing số; Kế toán tích hợp chương trình CAEW CFAB; Luật thương mại quốc tế; Quản trị hệ thống thông tin (chương trình định hướng nghề nghiệp); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (chương trình chất lượng cao).