Khác với cách tiếp cận của kỳ thi THPT quốc gia, bài thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TP.HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
Các năng lực này được đánh giá thông qua một bài thi tổng hợp gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút.
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực:
Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - bài thi đánh giá năng lực được xây dựng với cùng cách tiếp cận như bài thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Đây đều là các bài thi chuẩn hóa nhằm xét tuyển đầu vào đại học. Các bài thi hướng tới việc đánh giá năng lực học đại học của thí sinh thông qua việc kiểm tra các kỹ năng liên quan đọc, hiểu, tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề, chứ không đơn thuần đánh giá về mặt nhớ kiến thức.
Xét về cấu trúc, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA.
Kết quả bài thi được xác định theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại. Điểm bài thi được xác định bằng lý thuyết đáp ứng câu hỏi - IRT (Item Response Theory). Các câu hỏi có độ khó, độ phân biệt khác nhau sẽ có đóng góp khác nhau vào tổng điểm. Tổng điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm.
Ngoài tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu nhất định, ĐH Quốc gia TP.HCM xét tuyển dựa vào phương thức trên (bài thi đánh giá năng lực), phần lớn chỉ tiêu còn lại sẽ vẫn xét tuyển dựa vào các phương thức truyền thống như: Kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH Quốc gia TP.HCM...
Từ ngày 2/5 đến 30/5, thí sinh sẽ đăng ký dự thi online, qua bưu điện hoặc trực tiếp tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 7/7 tại ba địa điểm: TP.HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn. Kết quả sẽ được thông báo vào ngày 15/7.