Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhận diện 'trường ma' ở Mỹ

Chuyên gia giáo dục tại Mỹ nhận định các "trường ma" của Mỹ thường hoạt động ở những nước châu Á vì nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý hướng ngoại của phụ huynh và học sinh.

Liên quan cáo buộc "trường ma" George Washington (GWIS, Mỹ) hợp tác với nhiều trường ở Việt Nam, ông Đinh Công Bằng, chuyên gia giáo dục tại Mỹ, thông tin việc thành lập trường đại học, cũng như phổ thông không quá khó ở một số nơi luật lệ còn lỏng lẻo.

Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng giáo dục đại học (cũng như phổ thông) không phải là trách nhiệm của chính phủ liên bang, mà thuộc về phạm vi pháp lý của mỗi bang. 50 bang có 50 bộ luật giáo dục riêng.

Các bang như California, Hawaii, và Florida cho phép mở và duy trì hoạt động những tổ chức giáo dục không có chứng chỉ chất lượng.

truong ma cua My anh 1
Ông Đinh Công Bằng (phải) hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ về lựa chọn trường, ngành nghề, tìm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Trường không có cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh  

- Theo thông tin ghi nhận, GWIS là trường Mỹ nhưng gần như không có hoạt động tại đây. Cơ sở giáo dục này không có lớp học, học sinh cũng như giáo viên ở Mỹ?

GWIS không có chứng chỉ chất lượng, không có truyền thống. Trường chỉ mới đăng ký hoạt động ở bang Florida vào năm 2011 và tại bang California vào năm 2017. Bên cạnh đó, GWIS không nằm trong danh sách các trường được phép nhận học sinh du học của Sở Di trú (SEVP certified schools).

Tuy nhiên, trên khía cạnh pháp lý tại Mỹ, GWIS có giấy phép hoạt động hợp pháp ở hai bang là Florida và California. Nhưng về mặt giáo dục phổ thông ở Mỹ, GWIS là cái gì? Ngoài hai giấy phép, một địa chỉ mailbox để nhận thư và một website, họ không có gì nhiều ở Mỹ.

- Mỹ có nhiều trường như GWIS tồn tại?

- Tại Mỹ, những trường không lớp học, không học sinh, không giáo viên như GWIS khó tồn tại ở bậc phổ thông. Có lẽ, các trường đó cũng chỉ hoạt động ở nước ngoài. Là trường tư, họ không phạm luật ở Mỹ.

Lý do bắt nguồn từ tình trạng thiếu hiểu biết của các gia đình và "sính Mỹ" quá độ. Bên cạnh đó, một yếu tố khác kèm theo là áp lực xã hội về học tập rất lớn.

So với phổ thông, bậc đại học có nhiều luật lệ hơn vì lúc đi làm ảnh hưởng đến xã hội. Nhiều nghề không những phải có bằng đại học mà còn có chứng chỉ hành nghề. Do vậy, "trường rởm" không tồn tại nhiều ở Mỹ.

Bộ GD&ĐT yêu cầu trường Newton dừng hợp tác với 'trường ma' ở Mỹ

Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, Bộ GD&ĐT chỉ đạo trường Tiểu học - THCS - THPT Newton, Hà Nội, dừng hợp tác với trường Quốc tế George Washington, Mỹ.

Nhận diện "trường ma"

- Ông có thể điểm tên một số "trường ma" tại Mỹ?

Trường "đại học rởm", "đại học ma" điển hình ở Mỹ như Columbus. Trường này là cơ sở giáo dục từ xa không được công nhận. Ngoài bang Louisiana, trường còn có cơ sở ở bang Mississippi.

Ban đầu, khi luật của bang Louisiana chưa yêu cầu giấy phép đối với những tổ chức phi lợi nhuận được miễn thuế, Đại học Columbus hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tháng 11/1998, The Irish Times đã nêu tên trường trong một bài báo điểm tên 12 "nhà máy sản xuất bằng".

Tiếp đến, luật của bang thay đổi khiến giá trị hợp pháp của trường bị lung lay. Tháng 9/2000, Đại học Columbus xin giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, trường đã thất bại trong việc tìm kiếm sự công nhận nên giấy phép bị thu hồi. Các nhà chức trách bang Louisiana đóng cửa Đại học Columbus vì đây là "nhà máy sản xuất bằng" bất hợp pháp.

Sau đó, trường chuyển đến bang Mississippi, song chính quyền bang này liệt kê trường "không được chấp thuận".

Năm 2008, Cục Giáo dục sau trung học Alabama đã thu hồi giấy phép trước đây đã cấp cho Đại học Columbus. Khoảng 2 năm sau, WWL-TV đưa tin FBI điều tra trường này vì cáo buộc là "nhà máy sản xuất bằng".

Bên cạnh đó, bằng của trường cũng bị Ban Điều hành Giáo dục Đại học bang Texas liệt kê vào danh mục bất hợp pháp vì chúng được cấp bởi những tổ chức giáo dục "gian lận hoặc không đạt chuẩn".

Đại học Columbus được Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng thế giới (WAUC) công nhận. Tuy nhiên, bản thân WAUC không phải là cơ quan được Bộ Giáo dục Mỹ công nhận.

Ngoài Đại học Columbus, Đại học Harrington cũng nằm trong số đó dù trường này có từ lâu và mở rầm rộ ở châu Á.

-  Phương thức hoạt động của các trường này như thế nào? Làm sao có thể phân biệt nó với những trường khác?

- Những trường này thường mở ở những bang có yêu cầu thấp hoặc không yêu cầu gì về trường tư. Họ không có chứng chỉ chất lượng của các tổ chức được Bộ Giáo dục Mỹ công nhận.

Có 7 tổ chức cung cấp chứng chỉ chất lượng vùng, là loại chất lượng cao nhất và một tổ chức cung cấp chứng chỉ chất lượng quốc gia. Bảy tổ chức cấp chứng chỉ vùng lớn nhất là MSCHE, NEASC, HLC, NWAC, SACS, WASC và ACCJC.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Mỹ công nhận một số tổ chức vùng khác như Oklahoma Board of Career and Technology Education, và Puerto Rico State Agency for the Approval of Public Postsecondary Vocational, Technical Institutions and Programs.

Sinh viên có bằng/tín chỉ học phần từ những trường có chứng chỉ vùng sẽ có thuận lợi khi chuyển sang trường khác hoặc học lên cao hơn. Họ cũng được phép vay tiền học từ chính phủ Mỹ và không gặp khó khăn gì khi thi các chứng chỉ hành nghề chuyên môn sau khi tốt nghiệp.

Một số tổ chức chứng chỉ quốc gia là Accrediting Commission of Career Schools and Colleges, Association for Biblical Higher Education - Commission on Accreditation, và Distance Education Accrediting Commission. Sinh viên học ở các trường có chứng chỉ quốc gia được phép vay tiền học từ chính phủ Mỹ.

Nếu không có chứng chỉ của một trong những tổ chức này thì phải cẩn thận.

Lưu ý, một số trường và một số ngành nghề không chấp nhận bằng/tín chỉ từ các trường chỉ có chứng chỉ quốc gia. Chứng chỉ quốc gia thường được coi là một bước khởi đầu của một số trường mới thành lập để tiến tới đạt được chứng chỉ vùng. 

Ngoài ra, nhiều ngành có hệ thống cấp chứng chỉ riêng, ví dụ: Quản trị (AACSB), Công nghệ (ABET), Điều dưỡng (CCNE và ACEN), Dược (ACPE). Chứng chỉ ngành cấp cho một trường college trong một university nhằm kiểm soát chất lượng chuyên môn thuộc một ngành nghề/trường nghề nhất định bởi một hội đoàn chuyên môn.

Sinh viên học từ các trường không có chứng chỉ ngành có thể không được phép thi chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ chất lượng ngành chỉ được cấp cho các trường đã có chứng chỉ vùng hoặc quốc gia.

Ở cấp phổ thông, hầu hết trường phổ thông tư thục nghiêm túc đều có chứng chỉ chất lượng. Những trường tốt có tới hai hoặc ba chứng chỉ chất lượng từ các tổ chức và lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, việc có chứng chỉ chất lượng không nhất thiết.

Luật giáo dục các tiểu bang khá cởi mở, ví dụ cho phép cha mẹ tự dạy con (home school) đến hết lớp 12 mà học sinh vẫn đủ điều kiện nhập học đại học. Bên cạnh đó, nhiều trường phổ thông không muốn chứng chỉ chất lượng để giảm chi phí quản lý hoặc vì chương trình của họ rất khác biệt - không giống ai.

Cái khó của việc đánh giá chứng chỉ chất lượng của trường phổ thông là Bộ Giáo dục Mỹ không cung cấp danh sách các tổ chức được họ công nhận. Điều này đơn giản vì bộ không trợ cấp giáo dục ở bậc phổ thông tới từng học sinh (thay vào đó, bộ trợ cấp học khu).

Ngoài ra, nhiều trường phổ thông không có chứng chỉ chất lượng vẫn được phép cấp mẫu I-20 và tham gia vào hệ thống SEVIS để nhận học sinh du học quốc tế (dùng visa du học tự túc F-1).

Vì thế, khi đánh giá một trường phổ thông cần nhìn vào chứng chỉ chất lượng họ đang có, cũng như xem xét các yếu tố khác về cơ sở vật chất và truyền thống.

Đại sứ quán Mỹ nói về GWIS Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khẳng định chưa tìm thấy thông tin chính thức về trường Quốc tế George Washington (GWIS).

Ông Đinh Công Bằng từng là nghiên cứu sinh ở Đại học bang Florida (Mỹ). Hiện, ông Bằng là chuyên viên công nghệ thông tin của chính phủ Mỹ ở Florida.

Trong nhiều năm, ông đã hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ về lựa chọn trường, ngành nghề, tìm việc và định cư ở Mỹ sau khi tốt nghiệp.

Ông Bằng từng làm việc trong các dự án chính phủ tại Việt Nam và Mỹ, từng là admin của mạng VietPhD.org, nơi chia sẻ thông tin cơ hội học sau đại học ở nước ngoài.

Đại sứ quán Mỹ lên tiếng về nghi vấn trường 'ma' George Washington

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khẳng định không tìm thấy tên trường Quốc tế George Washington trong danh sách các trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế ở Mỹ.

Nghi vấn hàng loạt trường Việt Nam liên kết với trường ‘ma’ ở Mỹ

Trường Tiểu học - THCS - THPT Newton và nhiều cơ sở giáo dục khác ở Việt Nam đang hợp tác với trường Quốc tế George Washington (GWIS, Mỹ). Tuy nhiên, GWIS bị tố là trường "ma".



Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm