Từ năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức đưa hậu Covid-19 vào mã bệnh tật quốc tế (U09.9).
Dù các dữ liệu liên quan gánh nặng bệnh tật của hậu Covid-19 vẫn chưa có báo cáo đầy đủ, một số quốc gia đã biên soạn, hướng dẫn, lập phòng khám, mạng lưới hỗ trợ bệnh nhân bị ảnh hưởng.
Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng thông tin về việc ghi nhận nhiều di chứng ở người bệnh hậu Covid-19. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm bởi không chỉ ngành y tế mà cả thành phố.
Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Truyền nhiễm Việt Nam khóa VI mới đây, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam, đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Vai trò của chăm sóc tâm lý hậu Covid-19
Liên quan những di chứng hậu Covid-19, GS Kính cho hay trên thế giới, ngành y tế đang theo dõi những người nhiễm SARS-CoV-2 để có kết luận rõ ràng.
“Thời điểm hiện tại, các báo cáo cho thấy có một số biến chứng ở những người từng mắc Covid-19 do gặp vấn đề về tâm lý, sợ hãi với dịch bệnh dẫn đến rối loạn. Vấn đề thường thấy nhất là hội chứng trầm cảm sau khi mắc bệnh hoặc trí nhớ bị ảnh hưởng”, vị chuyên gia này nói.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam. Ảnh: MT. |
Theo ông, các triệu chứng hậu Covid-19 có thể chấm dứt sau một thời gian. Tuy nhiên, thời gian tồn tại chính xác của các triệu chứng này còn cần được nghiên cứu và theo dõi thêm.
“Một số người cảm thấy mệt mỏi, đôi khi khó thở. Tuy nhiên, khi chụp chiếu và thăm khám lại không phát hiện bất thường ở phổi. Lúc này, vấn đề có thể nằm ở tâm lý người bệnh”, ông Kính chia sẻ.
Do đó, ông cho rằng những người từng mắc Covid-19 trong thời gian tới cần được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tâm lý cũng như bác sĩ về rối loạn tâm thần.
“Từ đây, các bác sĩ có thể đánh giá và kết luận bệnh nhân có gặp phải tổn thương thực thể hay không, qua đó có phương án điều trị phù hợp”, ông nhận định.
Hiện nay, khi các cơ sở y tế vẫn phải ứng phó với số bệnh nhân nhiễm nCoV lớn, những trường hợp có di chứng hậu Covid-19 chưa phải tình huống quá cấp bách. Dẫu vậy, GS Kính cho rằng các bệnh nhân này vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu và chăm sóc.
Mới đây, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã thành lập khoa Chống rối loạn Tâm lý Covid-19. Một số trường hợp đã được tư vấn và điều trị.
Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện đã mở các phòng khám hậu Covid-19 để tư vấn, khám và đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp. Một số bệnh viện lớn cũng thành lập khoa điều trị hậu Covid-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Viện Y Dược học Dân tộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Ngành y tế TP.HCM cũng lên kế hoạch xây dựng hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 theo các phân tuyến điều trị (trong thời gian chờ ban hành chính thức từ Bộ Y tế).
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã lập mô hình 3 tầng trong quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19. Tầng 3 là các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối. Tầng 2 là bệnh viện tuyến quận, huyện. Tầng một là các cơ sở y tế địa phương.
Bên cạnh đó, Hội Đông Y TP.HCM còn phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình chăm sóc sức khỏe cho 12.000 người hậu Covid-19 (6.000 người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi và 6.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn).
Thích ứng với biến chủng mới
Theo GS Nguyễn Văn Kính, các biến chủng mới của virus sẽ luôn đi kèm với 3 vấn đề: Tính lây nhiễm; độc lực; phản ứng với vaccine.
Đối với Omicron, các nghiên cứu cho thấy biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn Delta tới 4,2 lần. Về độc lực, vị chuyên gia cho rằng theo quy luật tự nhiên, virus lây lan càng nhanh, mạnh sẽ yếu đi về độc tính. Trong khi đó, sự xuất hiện của biến chủng mới khiến những người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị lây nhiễm.
“Từ đây, việc tiêm vaccine hiện chỉ được đánh giá là biện pháp giảm tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong thay vì ngăn chặn đại dịch”, ông nói.
Người dân tại TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19 trong đợt dịch vừa qua. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngoài ra, GS Nguyễn Văn Kính nhận định việc truy vết, cách ly để tách F0 khỏi cộng đồng không thể kịp so với tốc độ lây nhiễm của virus. Thực tế cũng cho thấy số ca mắc Covid-19 không triệu chứng ngày một nhiều hơn khi biến chủng Delta và Omicron xuất hiện.
“Do đó, nhiều quốc gia đã chuyển từ ‘Zero Covid-19’ sang sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Việt Nam cũng đang thực hiện chiến lược này. Các F0 không triệu chứng không còn là bệnh nhân. Thay vào đó, họ chỉ còn được coi là người lành mang trùng”, GS Kính nói.
Theo ông, người lành mang trùng nếu đủ điều kiện có thể cách ly tại nhà. Trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ sau khoảng 3-5 ngày đã có thể khỏi bệnh. Do đó, chiến lược trên là phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
“Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ nhất định người cao tuổi, mắc bệnh nền có nguy cơ diễn biến nặng. Chúng ta vẫn phải giám sát chặt diễn biến bệnh của nhóm này ngay tại nhà để có phương án điều trị kịp thời”, chuyên gia này lưu ý.
Liên quan biến chủng mới, dù lúc này chưa thể dự đoán dịch sẽ diễn biến ra sao, một số chuyên gia cho rằng với sự bao phủ vaccine rộng rãi trên toàn cầu, nhiều quốc gia đã tiêm mũi tăng cường cho người dân, sự ảnh hưởng từ các biến chủng mới sẽ được hạn chế, ngay cả trong tương lai.
“Tôi cũng hy vọng đại dịch sẽ kết thúc trong thời gian không xa. Về nguyên tắc, đại dịch bùng lên rồi sẽ phải kết thúc. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi”, GS Kính nói.